19/04/2008 - 09:58

“Kho gạo” châu Á cạn dần

Người dân Philippines xếp hàng chờ mua gạo trợ cấp của chính phủ dưới sự bảo vệ của quân đội. Ảnh: Reuters

Cuộc khủng hoảng gạo toàn cầu chưa có dấu hiệu lắng dịu khi giá gạo thế giới ngày 17-4 đạt đỉnh cao mới với gạo trắng 100% B của Thái Lan (được xem là chuẩn) đạt 950 USD/tấn. Như vậy, giá gạo thế giới đã tăng 10% trong vòng một tuần và gấp 3 lần so với đầu năm 2007. Báo Bangkokpost (Thái Lan) cho biết giá gạo dự báo còn cao hơn nếu Philippines đồng ý mua gạo của Việt Nam với giá 1.200 USD/tấn. Với việc giá gạo leo thang liên tục như hiện nay, hàng triệu người khắp châu Á đang đối mặt với nguy cơ thiếu đói.

Thị trường gạo thế giới bắt đầu căng thẳng từ đầu năm 2008, sau khi các nước xuất khẩu lớn như Việt Nam và Ấn Độ tạm cắt nguồn cung nhằm đảm bảo nhu cầu trong nước. Ai Cập, Trung Quốc và Campuchia cũng quyết định hạn chế xuất khẩu gạo. Nhằm bù vào phần thiếu hụt, Thái Lan tăng cường xuất khẩu vài tháng qua, nhưng không được bao lâu thì nước này cũng cạn dần nguồn gạo dự trữ. Mặc dù chính phủ Thái Lan và Việt Nam, hai nước sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đang giục nông dân gia tăng sản xuất, nhưng phải mất vài tháng nữa sản lượng lương thực mùa vụ này mới được bổ sung vào thị trường.

Trong bối cảnh thiếu lương thực, các nước nhập khẩu chuyển sang Mỹ, vốn là nhà sản xuất gạo lớn trên thế giới, nhưng dự trữ gạo của nước này đã giảm 50% trong 2 năm qua, vì phần lớn diện tích trồng lúa được chuyển sang trồng bắp, lúa mì và đậu nành, nhằm đáp ứng mục tiêu sản xuất hơn 30 tỉ lít ethanol sinh học (thay thế nhiên liệu ô tô). Năm 2007, Mỹ chỉ sản xuất khoảng 6 triệu tấn gạo trong tổng sản lượng thế giới 425 triệu tấn.

Trong khi đó, nhu cầu từ các nước nhập khẩu lớn như Iran, dự kiến mua 1 triệu tấn gạo Thái Lan năm nay, và Philippines, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, tiếp tục gây sức ép lên giá gạo thế giới. Vừa qua, Philippines dự định nhập khẩu 500.000 tấn gạo, nhưng các nhà cung cấp chỉ đáp ứng được 2/3 con số này (tương đương 334.000 tấn, trong đó 200.000 tấn từ Thái Lan, 110.000 tấn của Việt Nam và 24.000 tấn của Pakistan) với giá từ 872,5 USD - 1.200 USD/tấn. Philippines là nước chịu tác động nặng nhất ở châu Á trong cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Để giải quyết vấn đề lương thực, chính phủ Philippines vừa truy tố 13 người tình nghi đầu cơ, trong khi quân đội được huy động bảo vệ các kho gạo trợ cấp của Cơ quan Lương thực quốc gia. Manila cũng ban hành quy định tạm thời cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, với hy vọng sản lượng lương thực sẽ đáp ứng nhu cầu trong nước. Năm nay, Philippines dự kiến đạt sản lượng 17 triệu tấn lúa, tăng nhẹ so với 16,24 triệu tấn năm 2007. Tuy nhiên, sản lượng này không đủ đáp ứng nhu cầu do dân số tăng nhanh, hiện khoảng 88 triệu người.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo dự trữ gạo thế giới sẽ đạt 77 triệu tấn vào ngày 1-8 tới, tăng nhẹ so với năm trước. Tuy nhiên, với mức đó, lượng gạo dự trữ toàn cầu chỉ bằng 48% so với năm 2000. Các nhà phân tích cho rằng giá gạo có thể biến động mạnh hơn nữa vì chính phủ nhiều nước đang xem gạo là ưu tiên an ninh quốc gia.

N.MINH (Theo Scotsman, Bangkokpost)

Chia sẻ bài viết