20/04/2021 - 09:13

“Giấc mơ Mỹ” mang về cho bọn buôn người hàng tỉ USD 

Dòng người di cư đổ về Mexico để đến biên giới Mỹ không chỉ là cuộc khủng hoảng nhân đạo, mà còn là hoạt động buôn người có tổ chức tinh vi trị giá nhiều tỉ USD của các băng đảng ma túy.

Người di cư từ các nước Trung Mỹ tiến về biên giới Mỹ. Ảnh: AP

Cơ hội từ chính quyền Biden

Hồi tháng 3 vừa rồi, để chạy trốn nghèo đói, Juan Macias đã vay tiền của họ hàng để trả khoảng 7.000USD cho một mạng lưới buôn người. Trong suốt hành trình, công dân Honduras 35 tuổi này cùng với 30 người di cư khác đã đàm phán với 8 đối tượng buôn người khác nhau. Macias nhiều khả năng nằm trong số những người đã sử dụng dịch vụ mà bọn buôn người quảng cáo trên Facebook rằng: “Hãy đến Mexico để vào Mỹ. Chi phí 8.000USD. An toàn 100%”.

Làn sóng di cư đã dâng cao kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi đầu năm 2021, tuyên bố sẽ đối xử công bằng hơn đối với người di cư. Theo nhà nghiên cứu Oscar Hernandez, bọn buôn người “nhận thấy cơ hội” trong bài phát biểu của ông Biden để bắt đầu lôi kéo thêm nhiều người.

Thống kê cho thấy hồi tháng 3, 172.000 người di cư “lậu” đã bị bắt khi nỗ lực vượt qua biên giới Mỹ - Mexico, tăng 71% so với tháng trước đó và là con số cao nhất trong 15 năm qua. Số trẻ em không người lớn đi kèm bị bắt đã tăng gấp đôi lên 18.890 trong giai đoạn tháng 2-3. Họ đến biên giới sau hành trình dài và nguy hiểm xuyên Mexico bằng xe buýt, xe tải và xe lửa chở hàng hóa và thậm chí đi bộ. Tuy nhiên, phần lớn người di cư đến biên giới đều bị trục xuất theo sắc lệnh có tên “Tiêu đề 42”. Chính sách này cho phép nhanh chóng đưa những người di cư khỏi Mỹ, ngoại trừ trẻ em không người lớn đi cùng.

Báo cáo năm 2018 của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Liên Hiệp Quốc ước tính lợi nhuận thu được hàng năm từ việc đưa người di cư bằng đường bộ lên khu vực Bắc Mỹ lên tới 4,2 tỉ USD (tính trên toàn cầu, con số này là 7 tỉ USD). Giống như các hình thức tội phạm có tổ chức khác, hoạt động buôn người thường được kiểm soát bởi những băng đảng ma túy đầy quyền lực của Mexico, mặc dù mắt xích đầu tiên trong đường dây này có thể là hàng xóm của người di cư (chủ yếu là dân Trung Mỹ).

Các băng đảng ma túy Mexico bắt đầu tham gia nhiều hơn vào hoạt động buôn người sau khi cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon phát động cuộc chiến quân sự chống ma túy năm 2006. Chịu sức ép ngày càng lớn từ cuộc chiến chống ma túy đồng nghĩa các băng đảng này phải tìm cách đa dạng hóa nguồn thu bất chính.

Biến đổi khí hậu là yếu tố lớn

Vào tháng 11 năm ngoái, hai cơn bão Eta và Iota đã thay nhau tàn phá khu vực Trung Mỹ, gây lũ lụt, lở đất và mùa màng thất bát trên diện rộng tại Honduras, El Salvador, Guatemala và Nicaragua. Ước tính 7,3 triệu người trong khu vực này đã bị ảnh hưởng bởi bão kép.

Ảnh hưởng của hai cơn bão trên là một trong nhiều nguyên nhân khiến những người di cư từ Trung Mỹ thực hiện chuyến đi đầy nguy hiểm đến biên giới phía Nam của Mỹ để xin tị nạn. Ðó chỉ là một ví dụ về những nguyên nhân đi lánh nạn liên quan đến khí hậu ngày càng khắc nghiệt. “Biến đổi khí hậu đang đào sâu những điểm yếu cơ bản vốn đã có từ nhiều thập niên qua và giờ đây khiến người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc di cư”, Andrew Harper - cố vấn đặc biệt về khí hậu thuộc Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn - chia sẻ.

Ngoài những thảm họa bất ngờ (bão Eta và Iota), những thách thức khí hậu lâu dài hơn như hạn hán cũng đã gây ra tình trạng mất ổn định, đặc biệt tại khu vực gồm các nước Honduras, El Salvador, Guatemala và Nicaragua. Qua thăm dò, tổ chức phi chính phủ Lutheran phát hiện ít nhất 1/3 số người di cư xem lý do liên quan đến khí hậu là yếu tố chính khiến họ rời bỏ quê hương. Bên cạnh thiên tai, tình trạng bạo lực, mất an ninh lương thực và nghèo đói cũng góp phần thúc đẩy người dân Trung Mỹ tìm đến “giấc mơ Mỹ”.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, CNBC)

Chia sẻ bài viết