13/12/2015 - 16:43

“Cơ hội tốt nhất” để cứu lấy hành tinh

Tại Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu thế giới (COP21) kết thúc hôm 12-12 ở Paris (Pháp), đại diện 195 quốc gia thành viên Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu, vốn đe dọa nhân loại với việc làm mực nước biển dâng cao và khiến tình trạng hạn hán, lũ lụt, giông bão trở nên tồi tệ hơn.

Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) cùng Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và các quan chức khác hoan nghênh thỏa thuận lịch sử hôm 12-12. Ảnh: EPA

Những tràng vỗ tay và tiếng huýt sáo vang lên từ các đoàn đại biểu sau khi Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Chủ tịch COP21, tuyên bố thỏa thuận biến đổi khí hậu được thông qua, kết thúc 2 tuần chạy đua đàm phán căng thẳng. Thỏa thuận đạt được cuối cùng không khác so với dự thảo trước đó khi đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 20C, thậm chí chỉ là 1,50C, so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp. Để đạt mục tiêu này, thỏa thuận cũng nêu rõ rằng thế giới phải nhanh chóng giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính với mức nhiều nhất có thể. Tiến độ cụ thể được đặt ra là tới giữa thế kỷ này, thế giới phải đạt cân bằng giữa lượng khí phát thải do hoạt động của con người với khả năng hấp thụ của Trái đất (nhờ sự hấp thu của rừng và đại dương) cộng với công nghệ "thu gom khí thải".

Được ca ngợi là thỏa thuận toàn cầu đích thực đầu tiên về biến đổi khí hậu, văn kiện cũng vạch ra chương trình chuyển đổi mang tính lịch sử của nền kinh tế thế giới vốn đang lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tức sẽ cắt giảm hoặc loại bỏ than và các loại nhiên liệu hóa thạch để thay bằng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt trời và gió.

Thỏa thuận ít nhiều có tính ràng buộc pháp lý khi đưa ra cơ chế đánh giá 5 năm/lần, bắt đầu từ năm 2025, thời điểm mà các tổ chức phi chính phủ cho là "quá muộn". Quy định về nghĩa vụ tài chính cũng là một nội dung quan trọng đạt được trong thỏa thuận. Thỏa thuận yêu cầu các nước giàu giữ cam kết chi 100 tỉ USD/năm tính từ năm 2020 và sử dụng con số này làm "mức sàn" cho những hỗ trợ tiếp theo vào năm 2025 nhằm cung cấp tài chính lớn hơn cho các nước đang phát triển khi các nước này tự loại bỏ việc sử dụng năng lượng từ than. Lần đầu tiên thỏa thuận trên đề cập đến vấn đề "mất mát và thiệt hại, song chưa quy định rõ các nước giàu phương Bắc phải bồi thường thiệt hại cho các nước phương Nam vốn chịu hậu quả của biến đổi khí hậu như thế nào.

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã lập tức lên tiếng ca ngợi thỏa thuận trên. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố: "Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu là một thành công vĩ đại đối với hành tinh và người dân địa cầu. Ngày hôm nay, chúng ta cuối cùng cũng có thể nói với con cháu chúng ta rằng, chúng ta đã chung tay cho việc để lại một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau".

Với tư cách là nước chủ nhà đã có nhiều đóng góp quan trọng cho thành công của COP21, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh "Ngày 12-12-2015 là một ngày tuyệt vời đối với Trái đất. Trong nhiều thế kỷ, đã có hàng loạt cuộc cách mạng ở Paris, song đây là cuộc cách mạng đẹp và yên bình nhất mà chúng ta có, cuộc cách mạng về biến đổi khí hậu".

Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng dùng những từ như "lịch sử và mạnh mẽ" để nói về thỏa thuận, đồng thời gọi đây là "cơ hội tốt nhất để cứu lấy hành tinh của chúng ta" khỏi những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

THANH BÌNH (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết