17/06/2018 - 09:29

Những thay đổi trong làng nhạc Âu Mỹ nửa đầu năm 2018 

Làng nhạc quốc tế hai năm gần đây khá trầm lắng, các ngôi sao lớn gần như ở ẩn hoặc tấn công lĩnh vực khác. Những ngôi sao trẻ cũng dần ít xuất hiện, chỉ vài cá nhân gây chú ý với phong cách âm nhạc cho thấy những xu hướng khá đặc biệt.

Phong cách âm nhạc của những thập niên xưa

Tạp chí Time vừa công bố danh sách những ca khúc được chú ý trong năm 2018, trong đó có hơn 50% bài hát có xu hướng hoài niệm phong cách âm nhạc những thập niên trước. Gây chú ý nhất là "Done For Me", ca khúc nằm trong album phòng thu thứ ba "Voicenotes" của Charlie Puth. "Done For Me" mang âm hưởng pop ballad, lấy cảm hứng từ âm nhạc thập niên 1990 của nhóm Wham!. Bài hát được giới chuyên môn đánh giá có âm hưởng mượt mà, hấp dẫn. MV "Done For Me" cũng nhanh chóng đạt hơn 35 triệu lượt xem trên Youtube trong vòng 2-3 tuần ra mắt.

“This Is America”.

Cũng mang âm hưởng của những năm 1990, "One Kiss" của Calvin Harris và Dua Lipa là ca khúc nhạc House độc đáo, thu hút đông đảo người nghe. Chỉ hơn một tháng ra mắt, "One Kiss" đã sở hữu đến 108 triệu lượt xem trên Youtube. Một ca khúc khác là "Pynk", nằm trong album "Dirty Computer" của Janelle Monáe. "Pynk" có giai điệu tổng hợp nhiều thể loại nhạc Jazz, Funk và R&B của thập niên 1960. Time đã đánh giá giai điệu của "Pynk" tươi sáng, ngọt ngào, là sản phẩm tốt nhất của Janelle Monáe.

Trong khi đó, nam ca sĩ Frank Ocean lại có bản cover "Moon River", ca khúc kinh điển do Henry Mancini sáng tác, huyền thoại Audrey Hepburn thể hiện trong phim "Breakfast at Tiffany's" (1961). Nhạc phẩm này từng giành giải Oscar Ca khúc phim hay nhất, giải Grammy Bài hát của năm và Ghi âm của năm. Time nhận xét Frank Ocean đã đưa hơi thở đương đại vào tác phẩm nhưng vẫn giữ nét tinh tế của bản nhạc gốc. Giới chuyên môn đánh giá cao thử nghiệm mới của nam ca sĩ.

Nhóm nhạc Mỹ Beach House lại đưa đến một thể nghiệm khác với dòng nhạc Dream Pop qua ca khúc "Lemon Glow". Dream Pop là dòng nhạc thịnh hành vào những năm 1940 tại Anh và những năm 1980 tại Mỹ, pha trộn giữa pop rock và alternative rock, vừa vui vừa buồn với giai điệu khá bắt tai.

Ngôi sao trẻ Ariana Grande cũng hòa theo xu hướng chung với  "No Tears Left To Cry", ca khúc âm hưởng Dance Pop thịnh hành những năm 1980. Time gọi ca khúc là "bản Ballad đầy cảm xúc" qua cách thể hiện tinh tế của Ariana Grande. Laura Snapes, cây bút của Guardian nhận xét bài hát truyền cảm hứng tích cực cho người nghe với giai điệu vui vẻ, tạo động lực sống.

Những luồng gió quen mà lạ

Dòng nhạc Latinh đang trở lại - đó là nhận định những người hoạt động trong ngành công nghiệp âm nhạc Âu Mỹ, sau thành công của "Despacito" năm 2017. Điều đó đã được chứng minh. "Havana" của Camila đã "càn quét" các bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế từ cuối năm 2017 đến những tháng đầu năm 2018. Với chất nhạc Latinh pha trộn pop và EDM đương đại, "Havana" bắt tai và cuốn hút người nghe, từng là quán quân trên bảng xếp hạng âm nhạc của hàng chục quốc gia: Anh, Đức, Hà Lan, New Zealand, Thụy Sĩ… Ở Mỹ, ca khúc đoạt á quân bảng xếp hạng Billboard Hot 100. "Havana" còn nhận được không ít ngợi khen từ giới phê bình. Sadie Bell, cây bút cây của Billboard cho rằng "Havana" có sức hút khó cưỡng. Còn trang The Verde cho rằng giai điệu "Havana" gợi nhớ bản "Despacito" của Luis Fonsi và Daddy Yankee. Ca khúc này cũng đã giúp Camila đạt nhiều kỷ lục, nổi bật nhất là Nữ nghệ sĩ solo có bài hát được nghe trực tuyến nhiều nhất trên dịch vụ Spotify với 888 triệu lượt, đánh bại kỷ lục trước đó của Sia với "Cheap Thrills".

Một ca khúc khác mang âm hưởng Latinh được chú ý trong năm 2018 là "I Like It" nằm trong album "Invasion of Privacy" của Cardi B. Chỉ sau 4 ngày ra mắt, "I Like It" đạt hơn 29 triệu lượt xem trên Youtube và tạp chí Time cho rằng "I Like It" sẽ lan tỏa như "Despacito" của Luis Fonsi và Daddy Yankee. Trong khi đó, Daddy Yankee cũng trở lại với ca khúc  "Dura"  mang đậm âm hưởng reggae, dòng nhạc Latinh thịnh hành vào những năm 1960, pha trộn nhiều màu sắc âm nhạc: R&B, Jazz, Ska. Sau hai tuần phát hành, MV Dura đạt hơn 93 triệu lượt xem trên Youtube.

Bên cạnh cơn sốt mang tên Latinh, làng nhạc Âu Mỹ lại đón nhận một làn sóng mới từ K-Pop, qua sự xâm nhập của nhóm nhạc BST. Với chất nhạc trẻ trung, sôi động, album "Love Yourself: Tear" của BST là quán quân Billboard 200 của Mỹ. Đây là album tiếng nước ngoài đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng Billboard 200 trong hơn 12 năm qua, kể từ album "Ancora" (2006) của IL Divo.

Âm nhạc mang yếu tố thời sự

Hòa theo xu thế chung, các nghệ sĩ cũng dùng âm nhạc để chuyển tải những vấn đề đang được dư luận quan tâm. Trước đây, các bài hát phần lớn thể hiện cảm xúc liên quan đến chuyện tình cảm, cá nhân. Nhưng hiện tại, giới âm nhạc mạnh mẽ phản ánh những vấn đề nhạy cảm qua các ca khúc với sự đầu tư nghiêm túc và chỉn chu. "This Is America" của Childish Gambino có ca từ và hình ảnh được đầu tư chất lượng, đề cập đến xung đột sắc tộc tại Mỹ, mô tả khó khăn của những người da màu ở đất nước này. Time khen ngợi ca khúc có nội dung ý nghĩa, giai điệu gây nghiện. Chỉ sau một tháng ra mắt, "This Is America" đạt 237 triệu lượt xem trên Youtube.

Trong khi đó, "Nice for What" của  Drake lại đề cao nữ quyền. Nhà phê bình Hugh Mclntyre đã gọi "Nice for What" hoàn hảo về giai điệu lẫn hình ảnh, nội dung. Chỉ sau hai tháng, "Nice for What" cũng đạt 151 triệu xem trên Youtube.

Bảo Lam (Tổng hợp từ Time, Guardian, Billboard)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Nhạc Âu Mỹ