21/03/2017 - 20:37

“VTV Đặc biệt”

Những lát cắt chân thực của cuộc sống

Lên sóng gần hai năm, "VTV Đặc biệt" vẫn vẹn nguyên sức hút bởi những câu chuyện nhân văn, giàu cảm xúc, gần gũi đời thường. Mỗi chương trình là một phim tài liệu, có góc nhìn nhân hậu về những sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Năm 2017, "VTV Đặc biệt" tiếp tục chinh phục người xem qua: "Hai đứa trẻ", "Dưới bầu trời xa cách", "Giấc mơ bay", "Chị gái".

Chương trình phát sóng lúc 20 giờ 10 phút trên kênh VTV1, vào thứ bảy hoặc Chủ nhật giữa tháng.

 Gia đình của Pia (ảnh, thứ ba từ phải sang) trong “Chị gái”

Đầu năm 2017, "Hai đứa trẻ" đi vào lòng khán giả khi kể câu chuyện cuộc sống của hai đứa bé bị trao nhầm của hai gia đình ở Bình Phước. Sự kiện có thật này từng gây chấn động dư luận vào tháng 7-2016. Trong gần 50 phút, phim kể hành trình đi tìm con của anh Khiên cùng nỗi niềm những người trong cuộc mà không hề có lời bình. Chỉ có tiếng nói của người trong cuộc, hàng xóm và những người có liên quan. Xen lẫn là hình ảnh hoang mang, vỡ òa, giọt nước mắt của những người cha, người mẹ và những đứa trẻ; những con đường thênh thang, màn đêm tĩnh mịch khi gia đình hai bên tạm trao đổi bé Yến và Lan Anh để hai bé tập quen dần với cuộc sống mới. Những thước phim chân thực về hành trình đi tìm sự thật và nhận lại con, đã làm nhiều khán giả thương cảm. Một câu chuyện buồn, nhưng đầy nhân văn về lòng bao dung, vị tha.

Câu chuyện của tháng 2- "Giấc mơ bay", đầy cảm động về nghị lực của cha con cô bé khiếm thính Khả Ái. Chú Khương- ba Khả Ái ước mong con gái lớn lên sẽ trở thành diễn viên múa ba lê, nhưng giấc mơ đó vụt tắt khi gia đình phát hiện cô bé bị khiếm thính bẩm sinh lúc 21 tháng tuổi. Chú Khương tìm mọi biện pháp để giúp Khả Ái giao tiếp và có cuộc sống bình thường. Tình thương của cha giúp Khả Ái mạnh mẽ, hòa nhập cộng đồng (dùng máy trợ thính), trở thành sinh viên. Khả Ái bí mật tặng cha món quà sinh nhật: Xem cô múa trên sân khấu lớn. Những thước phim phản ánh cuộc sống thường nhật của gia đình chú Khương tuy còn khó khăn nhưng luôn đầy tiếng cười, niềm tin và yêu thương. Cũng giống như "Hai đứa trẻ", phim không có lời bình, chủ yếu bám sát cảm xúc, suy nghĩ của các nhân vật.

"Chị gái"- câu chuyện của tháng 3, vừa lên sóng vào ngày 18-3, đầy thú vị về cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng cao, đặc biệt là thế giới của các em nhỏ. "Chị gái" là tác phẩm trong khuôn khổ dự án "Baby On The Way" hợp tác giữa 6 nước: Việt Nam, Ý, Hàn Quốc, Chile, Campuchia và Thái Lan, từng nhận giải Bạc thể loại Phim tài liệu tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 36. Phim kể về cuộc sống của Pia- cô bé 8 tuổi, người dân tộc Hà Nhì, sống ở thôn Mò Phú Chải, Y Tý, Lào Cai. Pia luôn gặp rắc rối với cậu em trai Gớ Dờ và Gớ Hờ, nên cô bé luôn ao ước có một em gái. Tuy nhiên, mẹ Pia lại sinh em trai. Câu chuyện được kể một cách nhẹ nhàng, tự nhiên theo cuộc sống của các nhân vật. Người xem đắm mình trong cuộc sống trong trẻo của những đứa trẻ vùng cao. Hơn hết, đó là tình cảm mộc mạc, hồn nhiên của cô bé Pia dành cho các em: Dù không ít lần bị bắt nạt, Pia luôn tha thứ và bảo vệ em.

Mỗi câu chuyện trong "VTV Đặc biệt" đều chân thật. Để phản ánh cuộc sống thường ngày của các nhân vật, những người làm phim sống cùng họ thời gian dài, cùng trải qua những sự kiện lớn nhỏ trong cuộc sống. Vì thế, "VTV Đặc biệt" "bắt" được những cảm xúc và khung hình chân thật, từ niềm vui đến nỗi buồn, cả sự giận dữ, tránh mặt máy quay. Cách khai thác này cho người xem cảm nhận đang đồng hành và đồng cảm với cảm xúc của người trong cuộc, tạo nên sự gắn kết vô hình giữa người xem với nhân vật. Sự khai thác đa chiều về những việc đang diễn ra trong cuộc sống bằng thủ pháp truyền hình hiện đại, nhân văn, "VTV Đặc biệt" khiến người xem không thể quên những thước phim: "Hành trình của sự sống và cái chết", "Những người ở lại trong lòng đất", "Tôi đẹp… Bạn cũng thế", "Đêm trắng", "Đường đến trường- Không lùi bước"…

BẢO LAM

Chia sẻ bài viết