31/05/2008 - 10:42

Ngày đầu tiên phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII

Nhiều bức xúc xung quanh việc thực hiện chính sách đầu tư, tài chính, tiền tệ

* Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: Thừa nhận yếu kém trong công tác dự báo

 

(TTXVN-Cổng TTĐT Chính phủ)- Hôm qua, trước phiên chất vấn, một số thành viên Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim trình bày báo cáo tổng hợp 1.551 ý kiến cử tri gửi đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cử tri và nhân dân cả nước bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước cũng như những băn khoăn, lo lắng trước những vấn đề mới phát sinh và những vấn đề đã kiến nghị tại các kỳ họp trước của Quốc hội nhưng vẫn chưa được giải quyết, hoặc việc giải quyết còn chậm, hiệu quả thấp. Đó là tình trạng lạm phát, giá cả vật tư sản xuất, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu liên tục tăng cao, đời sống nông dân, người lao động và cán bộ, công chức, người hưởng lương, đặc biệt là người nghèo gặp nhiều khó khăn; tình trạng tham nhũng chưa được ngăn chặn và đẩy lùi; việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, cải cách hành chính đạt hiệu quả thấp, bộ máy cồng kềnh, thủ tục rườm rà, phức tạp, gây phiền hà cho người dân; bệnh hình thức và bệnh thành tích còn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp; tình trạng cán bộ, công chức có trình độ, tay nghề cao thôi việc Nhà nước ra làm ở nơi có mức thu nhập cao hơn ngày một gia tăng; số học sinh bỏ học ngày càng nhiều; dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, cây trồng tái bùng phát ở nhiều địa phương; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm; tai nạn giao thông vẫn diễn ra nghiêm trọng.

Mở màn phiên chất vấn của kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XII), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã trả lời các câu hỏi trực tiếp liên quan đến những yếu kém trong công tác dự báo, kiểm soát đầu tư, trách nhiệm của Bộ đến đâu sau khi điều chỉnh GDP...

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An), Phạm Thị Loan (Hà Nội) và nhiều đại biểu khác đề nghị Bộ trưởng Võ Hồng Phúc giải thích cơ sở để điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng từ 8,5 đến 9% xuống còn 7% và dự báo mức lạm phát là bao nhiêu?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, căn cứ điều chỉnh GDP đã được Chính phủ “nghiên cứu kỹ” từ diễn biến kinh tế thế giới “có nhiều biến động, suy giảm kinh tế toàn cầu, các nước đều phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng”. Kinh tế trong nước cũng có nhiều diễn biến phức tạp, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn ra hồi đầu năm khiến sản xuất nông nghiệp sụt giảm (ước tính chỉ 3%), trong khi đó công nghiệp, dịch vụ tài chính, tiền tệ, du lịch có thể giảm nên việc đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuống còn 7% là hợp lý.

Trả lời chất vấn đại biểu Phạm Thị Loan, Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về việc nếu không đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7% thì ai chịu trách nhiệm, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định: “7% là con số định hướng, không phải là kế hoạch. Trong tình hình kinh tế có nhiều biến động như hiện nay thì không thể chính xác tuyệt đối được”.

Giải thích về việc điều chỉnh GDP liên quan tới lạm phát như thế nào, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho hay, mục tiêu hàng đầu của chúng ta hiện nay là kiềm chế lạm phát. Cho đến thời điểm này, lạm phát ở mức 15,96% là con số khá cao rồi. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện quyết liệt các biện pháp chống lạm phát. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, xem xét kỹ các khả năng sẽ xảy ra. Kiềm chế lạm phát đạt đến mức nào còn tùy thuộc quyết tâm thực hiện 8 nhóm giải pháp của Chính phủ.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) về trách nhiệm Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác dự báo, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, công tác dự báo của ta hiện còn quá yếu. “Công tác dự báo phải phụ thuộc vào dự báo của quốc tế, lấy dữ liệu của Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu, IMF, ADB chứ không đủ năng lực tự lập dự báo. Đó là cái yếu thực sự”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thừa nhận.

Tuy nhiên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng cho rằng sự phối hợp phân tích thông tin, tình hình để đưa cảnh báo giữa các cơ quan của ta làm chưa tốt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã từng đưa ra những cảnh báo về việc tổng dư nợ lên quá cao, các tổ chức tín dụng cho vay chứng khoán quá mức cho phép và đưa ra chỉ số giá cả 7 tháng đầu năm 2007... nhưng khi đưa ra Chính phủ thảo luận thì “lắm ý kiến lắm”. Số liệu của các Bộ không đầy đủ, nhưng sự phối hợp thông tin với nhau lại không chặt chẽ nên chỉ cần buông lỏng, mất cảnh giác đã để chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng.

Không đồng tình với giải trình của Bộ trưởng, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng, lời giải thích này như thể “Bộ trưởng đổ lỗi cho Ngân hàng Nhà nước làm tiền tệ tăng”. Theo ông Lịch, nguyên nhân sâu xa của lạm phát là do cơ cấu kinh tế mà cơ quan tham mưu phải chịu trách nhiệm là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc quả quyết: “Tôi không đổ lỗi cho ai cả”. Trách nhiệm của Bộ, Bộ không phủ nhận. Ông Võ Hồng Phúc đưa ra báo cáo của Bộ dài tới 99 trang và cho rằng “do dài nên có thể nhiều đại biểu ngại đọc” dù trong đó mọi vấn đề đã được làm rõ, từng từ ngữ đều đã được chọn lựa kỹ lưỡng và chuẩn xác, nêu rõ trách nhiệm của Bộ.

* Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Tăng cường quản lý vốn các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

 

Là thành viên thứ 2 của Chính phủ đăng đàn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trả lời những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm như: Tình hình lạm phát và các giải pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội; các chính sách của nhà nước để đảm bảo an sinh xã hội; tình hình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; thị trường chứng khoán...

Trả lời chất vấn đề đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) tới vai trò quản lý vốn nhà nước trong các tập đoàn kinh tế, làm gì để các tập đoàn đầu tư phát triển đúng hướng? Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói: Đối với các tập đoàn cho đến nay Bộ Tài chính kiểm soát thì thấy rằng bản thân các tập đoàn các doanh nghiệp này có đầu tư ra bên ngoài. Trong đầu tư ra bên ngoài có những lĩnh vực đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ như tập đoàn dầu khí thì đầu tư tư ra bên ngoài khoảng độ 14 nghìn tỉ thì trong đó có 8 nghìn tỉ đầu tư vào nhà máy thủy điện bên Lào. Đây là do hiệp định hợp tác giữa ta và Lào và chỉ đạo của Chính phủ.

Đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm, trong đó có 3 vấn đề một là đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng và bất động sản. Theo Bộ trưởng thì các tập đoàn chưa đầu tư tới mức nguy hiểm tuy nhiên Chính phủ cũng không khuyến khích các tập đoàn đầu tư ra bên ngoài mà ngoài những lĩnh vực của mình đặc biệt là những lĩnh vực có khả năng rủi ro.

Xung quanh chất vấn của đại biểu về sự phối hợp giữa các bộ, ngành để kiềm chế lạm phát, Bộ trưởng cho biết, việc triển khai các biện pháp để chống lạm phát trong đó có việc chống đầu cơ, kiểm soát giá là nội dung mà nhiều ngành nhiều lĩnh vực và cả hệ thống chính trị cả Trung ương và địa phương cùng phải triển khai thì mới thực hiện tốt được. Nếu một ngành, một bộ thì không thực hiện được. Về giải pháp của Bộ Tài chính, Bộ trưởng cho biết hiện Bộ Tài chính đã trình và Chính phủ cũng đã có chỉ đạo đảm bảo các nguồn lực dự phòng, dự trữ. Chính phủ đã cho phép cấp thêm tiền dự trữ để mua thêm thóc đưa vào dự trữ, qua đó để cuối năm nay đảm bảo có được trên 200 nghìn tấn lương thực dự trữ. Sắp tới Bộ Tài chính sẽ trình lên Thủ tướng để tăng lượng dự trữ hàng hóa trong đó có hàng hóa để phòng chống dịch bệnh phòng chống thiên tai, phao cứu sinh...

Liên quan tới việc còn 250 xã chưa có đường tới trung tâm xã, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định việc làm đường đến trung tâm xã là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Quốc hội cũng đã có biểu quyết đưa vào chương trình tổng thể phát hành trái phiếu Chính phủ từ năm 2003 - 2010 với tổng mức 110.000 tỉ đồng trong đó có chương trình giải quyết đường tới các trong tâm cụm xã. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, thời gian vừa qua và qua phản ánh của các địa phương thì thấy rằng còn có thấy một số tuyến đường chưa được đầu tư. Điều này có thể có nhiều nguyên nhân, có thể do chia tách xã nhưng cũng có thể là còn sót chưa có đường tới trung tâm xã, chưa được đưa vào danh mục” - Bộ trưởng lý giải. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận “không loại trừ nhiều xã đã có danh mục rồi nhưng triển khai còn chậm”.

Bộ trưởng bày tỏ: “Chúng tôi đã có báo cáo với Chính phủ và đích thân Thủ tướng đã nghe tình hình cụ thể ở một số địa phương. Tinh thần là sẽ thực hiện tiếp việc làm đường tới trung tâm xã làm sao để hoàn thành cơ bản việc này. Chúng tôi cũng đang tham mưu để thực hiện tiếp tới năm 2012”.

Về vấn đề 400.000 hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách chưa có nhà ở hoặc ở nhà tạm bợ, Bộ trưởng cho biết: “Đây là vấn đề lớn mà Đảng và Chính phủ rất trăn trở. Thủ tướng đã giao cho Bộ Xây dựng xây dựng đề án huy động các nguồn lực, kể cả ngân sách và ngoài ngân sách để hỗ trợ để giải quyết nhà cho hộ đồng bào chính sách, hộ nghèo. Đề án đang được bàn thảo giữa các Bộ. Trong số rất nhiều phương án, chúng tôi sẽ lựa chọn phương án tối ưu nhất trình Thủ tướng và các cấp có thẩm quyền. Tôi hy vọng đề án này sẽ sớm được thực hiện”.

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc tại sao lại tăng thuế nhập khẩu ô tô, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ đã có chiến lược phát triển đến năm 2010 và tầm nhìn tới 2020 với mục tiêu là làm thế nào đến 2010-2020 chúng ta hình thành được ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước. Với tinh thần này nên có nhiều chính sách và giải pháp đi theo trong đó chính sách thuế là một trong những giải pháp; đồng thời cũng nhằm bảo hộ chống nhập khẩu bên ngoài vào để có được ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Tuy nhiên đến năm 2008 tình hình nhập siêu tăng cao và nhóm hàng ô tô và linh kiện sản xuất ô tô tuy kim ngạch không lớn nhưng lại là nhóm hàng mà không khuyến khích nhập khẩu. Chính vì thế Chính phủ đề ra chỉ tiêu trước mắt là kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội nên phải thực hiện đồng loạt các giải pháp trong đó có chính sách thuế để hạn chế nhập khẩu, hạn chế nhập siêu nên đã phải điều chỉnh thuế nhập khẩu ô tô.

* Thống đốc NHNN VN Nguyễn Văn Giàu: Khống chế tăng trưởng tín dụng để kiềm chế lạm phát

 

Phần chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu tập trung vào các vấn đề chính như điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ, lãi suất và việc cấp giấy phép thành lập tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các giải pháp kiềm chế lạm phát sẽ được thực hiện là khống chế tăng trưởng tín dụng không tăng quá 30% so với 2007, tăng cường hiệu quả thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước trên các thị trường vàng, chứng khoán, tiền tệ, giảm lượng tiền mặt trong lưu thông, tăng 1% dự trữ bắt buộc...

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung đầu tư tín dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nhất là sản xuất nông nghiệp nông thôn, cho vay sản xuất hàng xuất khẩu, cho vay hộ nghèo, cho vay sinh viên và các đối chính sách khác để góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Trước các chất vấn về giải pháp bảo đảm lãi suất dương cho người gửi tiền tiết kiệm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cùng với việc thay đổi cơ chế điều hành lãi suất cơ bản, từ ngày 19/5/2008, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản từ 8,75%/năm lên 12%/năm. Hiện nay mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng ở mức 13,5%-15%/năm.

Những biện pháp của Ngân hàng Nhà nước bước đầu đã có tác dụng góp phần kiềm chế lạm phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

BÍCH THỦY - QUỲNH HOA - ĐỨC TUÂN - NGUYỄN HOÀNG

Chia sẻ bài viết