02/03/2018 - 21:16

Lời thủ thỉ của đại ngàn 

Cát Đằng

Giữa vô số tản văn về tình yêu, tuổi trẻ, nỗi buồn… “Luật của rừng” như một món lạ, độc đáo. Bởi nó mang đến cho người đọc những câu chuyện đầy hương sắc của núi rừng, cùng những tập tục, văn hóa của dân tộc Ê Đê vùng Tây Nguyên lộng gió. Tập tản văn của tác giả Thủy Vũ (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh - 2017) như lời thủ thỉ của đại ngàn đầy bí ẩn và cuốn hút.

23 bài viết của Thủy Vũ không phải tản mạn, mà là một câu chuyện dài được sắp xếp lớp lang, bài bản theo mạch cảm xúc của một người đã gắn bó với núi rừng Tây Nguyên từ thuở ấu thơ.

Gia đình của tác giả là hộ người Kinh duy nhất xin vào nhập cư tại buôn Lếck, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk những năm 1980. Một thế giới đầy huyền bí mở ra trước mắt cô gái nhỏ, nhưng cô nhanh chóng hòa nhập và gắn bó với đất và người nơi đây cho đến ngày trưởng thành, lên thành phố học đại học, trở thành nhà báo. Tất cả những ký ức, tình cảm đẹp đẽ nhất với buôn làng, rừng núi cứ như mạch nguồn tươi trẻ, ngọt ngào chảy tràn trên những trang viết. Từng câu chữ vừa có sự hoang sơ của núi rừng, tính cách ngay thẳng, thật thà của con người ở Tây Nguyên nhưng cũng đong đầy chất thơ và sự lãng mạn của một tâm hồn giàu cảm xúc.

Theo từng bước chân của tác giả, người đọc rong ruổi cùng đại ngàn, khám phá những bí ẩn của rừng già, những tập tục, niềm tin của người buôn Lếck và những vùng lân cận. Nơi ấy, từ đời này sang đời khác, dân làng tin rằng: “Luật của rừng không cho lấy của người làm của mình. Ai làm sai sẽ bị phạt” (trang 12 – “Luật của rừng”). Cũng ở nơi đây, bà con ngạc nhiên hỏi: “Sao phải đóng cửa nhà mình?” vì không ai lấy của ai làm gì. Tác giả khẳng định: “Suốt cả tuổi thơ mình sống cùng buôn Lếck, tôi chưa thấy nhà ai mất trộm thứ gì. Bởi không ai muốn trở thành kẻ lạc loài giữa cộng đồng của mình”(trang 104). Còn gì ấm áp hơn khi từ người xa lạ, gia đình tác giả được chào đón thịnh tình, cho đất chứ không bán, góp công sức xây nhà dựng cửa, không tiếc vật dụng trao tặng và coi nhau như anh em một nhà, cùng chia sớt ngọt bùi, cay đắng bên nhau.

Cái tình, cái nghĩa ấy đong đầy theo tháng năm, nên dẫu có xa rừng, sống giữa phồn hoa đô hội, Thủy Vũ vẫn đau đáu trở về vùng đất ấy, tắm mình giữa thiên nhiên trong lành, ngủ một đêm trong mái nhà tranh vách nứa năm xưa. Cũng như tác giả, lòng người đọc không khỏi xót xa, tiếc nuối qua từng trang viết: “Nước mắt rừng”, “Nơi ấy đã từng là rừng”, “Tôi mơ thèm ngủ nhà mình một đêm”… Để rồi rưng rưng nhớ rừng, nhớ cả những con người sống chết với rừng: già làng Ama Nhau thông tuệ, người cha hết lòng trồng và bảo vệ rừng, chú Thư miệt mài gieo chữ cho những đứa trẻ vùng cao… Tác giả để tất cả những cảm xúc ấy được nén chặt và trải dài trong từng câu chữ đầy da diết. Để khi khép sách lại, người đọc còn mãi vấn vương về một vùng đất lạ mà quen, xa mà gần trong tâm tưởng.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Luật của rừng