09/08/2015 - 09:25

Ký sự truyền hình - xu hướng mới của truyền hình đồng bằng

Những năm gần đây, thể loại ký sự truyền hình (KSTH) về văn hóa, phong tục tập quán, giá trị truyền thống… được các Đài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH) khu vực ĐBSCL đầu tư sản xuất có chất lượng, làm hài lòng người xem. Qua những thước phim chỉn chu, nét đẹp của đất và người miền Tây được tái hiện và lan tỏa.

Xu hướng mới

Trong bối cảnh chương trình truyền hình thực tế đang ngày càng khiến người xem "bội thực", các đài truyền hình, nhà sản xuất chọn KSTH nhằm tạo "khẩu vị" mới và chiều sâu văn hóa trong mỗi chương trình cho khán giả. Theo Tiến sĩ Trần Bảo Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Truyền hình, KSTH là thể loại báo chí không chỉ ở dung lượng thông tin hay tính thời sự; mà phản ánh trăn trở, suy ngẫm của người làm phim trước sự kiện, sự việc, con người, hướng người xem tới một tình cảm cao đẹp. KSTH có thể mang phong cách phóng sự, ký về một vấn đề, về chân dung, về du lịch hay ký sự montage (dựng hình).

Ở Việt Nam, tiên phong trong thể loại KSTH là hãng phim TFS của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh với những loạt ký sự tiêu biểu: Mê Công ký sự, Ký sự Hỏa xa, Hành trình theo chân Bác, Ký sự Amazon, Ký sự Huyền bí sông Hằng… Khoảng 5 năm trở lại đây, các Đài PT&TH khu vực ĐBSCL cũng đầu tư cho thể loại này để chinh phục khán giả. Sau "Nhịp sống đồng bằng" (THVL) có "Ký ức miền Tây", "Địa danh và sự tích" (VTV Cần Thơ), "Nhịp sống phương Nam" (Đài PT&TH Hậu Giang), "Ký sự bờ Tây sông Hậu", "Gốc tích quê hương", "Sắc màu Tây Nam" (Đài PT&TH An Giang)… Gần đây, VTV Cần Thơ còn mở chuyên mục "Ký sự truyền hình".

Đạo diễn Quách Nhị tác nghiệp tại chợ mắm Châu Đốc trong KSTH "Khám phá miền Tây". Ảnh do nhân vật cung cấp

8 tập ký sự "Bên dòng Sa Giang" của THVL vừa kết thúc mang đến cho người xem nhiều hiểu biết về vùng đất ven bờ Sa Đéc. Ký sự giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng như xuất xứ địa danh Sa Đéc, chợ hoa Sa Đéc, nghề làm bột truyền thống, hội đình Phú Hựu… bằng những thước phim chân thật, sống động, lời bình giản dị. 8 tập phim đã đưa người xem hòa mình vào cuộc sống thường ngày cũng như không khí lễ hội kỳ yên đình Phú Hựu – ngôi đình nổi tiếng ở Sa Đéc. Hình ảnh lao động của người nông dân, cuộc sống sinh hoạt; hay cảnh rước sắc thần, học trò lễ… trong lễ cúng đình là những khoảnh khắc quý mà ống kính truyền hình ghi nhận được. Hay chương trình "Nhịp sống phương Nam" đang được phát sóng trên kênh HGTV- Đài PT&TH Hậu Giang đưa người xem tìm về ký ức của ruộng đồng, mái lá. Mỗi tập phát sóng, chương trình giới thiệu một nét văn hóa đặc trưng của vùng đất và con người phương Nam: ăn mặc, ẩm thực, phong tục, tập quán, nghề nghiệp đặc trưng... qua những thước phim nghệ thuật, lời bình súc tích, chặt chẽ và giàu chất văn học.

Để hấp dẫn khán giả!

KSTH được khán giả yêu thích bởi hai yếu tố: khám phá những kiến thức, câu chuyện mới mẻ; khơi gợi những ký ức đã qua. Là một trong những đạo diễn tiên phong ở khu vực ĐBSCL thể nghiệm KSTH và từng thành công với ký sự "Khám phá miền Tây", đạo diễn Quách Nhị chia sẻ: "Tính chân thực là yếu tố hấp dẫn của KSTH, giống như một cuộc dạo chơi, một câu chuyện kể bằng hình". Bởi thế, người làm phim phải ghi nhận được những hình ảnh sinh hoạt chân thật nhất, những nhân vật sống động, với cách trò chuyện thoải mái, không gượng ép. Suốt nhiều năm làm ký sự, đạo diễn Quách Nhị không bao giờ có kịch bản sẵn bởi đặc trưng của KSTH là vừa đi vừa sáng tạo. Những nhân vật bất chợt của ông trong "Khám phá miền Tây" như người đàn bà với tiếng đờn bầu não nuột ở Phú Quốc, câu chuyện trồng xoài ở núi Cấm… đều có từ sự quan sát, khám phá. Cũng theo đạo diễn Quách Nhị, sự trải nghiệm, dấn thân và cảm xúc là yếu tố cần có của người làm KSTH.

Nhiều nhà làm KSTH cho rằng, cái khó của thể loại này là phải tìm ra cái mới mẻ, độc đáo của chủ đề thể hiện- một thách thức không nhỏ, nhất là với những đạo diễn, người làm phim trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm. Biên tập viên Võ Bá Tân, người từng ghi dấu ấn qua các chương trình "Ký ức miền Tây", ký sự du lịch, ký sự văn học nghệ thuật của VTV Cần Thơ cho rằng, làm KSTH, nhất là chủ đề về biên khảo văn hóa Nam bộ dễ mà khó. Dễ là bởi tư liệu phong phú do đã có không ít tác giả và thể loại báo chí khai thác nhưng khó là thể hiện làm sao cho mới, hấp dẫn, không trùng lắp. Võ Bá Tân chia sẻ: "Theo tôi, người làm KSTH phải luôn biết đặt câu hỏi, thắc mắc và trăn trở trong suốt quá trình theo đuổi đề tài của mình. Có như thế, đề tài mới được khai thác chân thật và có chiều sâu".

Một nhân tố giúp KSTH thành công là người dẫn chuyện. Họ là người dẫn dắt người xem khám phá những câu chuyện, sự kiện mà phim muốn kể. Bởi thế, lối dẫn tự nhiên, thoải mái, trải nghiệm là rất cần thiết. Nam Phương trong "Hành trình theo chân Bác", Cao Hoàng Khương trong "Ký sự amazon" hay Quách Nhị trong "Khám phá miền Tây"… là những người dẫn chuyện thành công của KSTH. Biên tập viên Nguyễn Hiếu, người thực hiện KSTH "Về Chắc Cà Đao" đang phát trên THVL, được khán giả yêu thích bởi sự hóa thân của anh- khi là người chài lưới, khi là khách thương hồ…, để dẫn dắt câu chuyện một cách hấp dẫn hơn. Với Nguyễn Hiếu, sự hóa thân đó nhằm tạo nên những cảm xúc gần gũi, chân phương và nhờ vậy, câu chuyện trở nên lôi cuốn hơn.

* * *

Đang thời các chương trình truyền hình thực tế trở thành nơi để người ta tìm kiếm danh tiếng, phim truyền hình đầy ắp sự hận thù, hãm hại nhau thì tìm về KSTH, khán giả như được trở về miền ký ức êm ái của tuổi thơ và thêm trân quý giá trị hiện tại.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết