01/12/2018 - 19:08

Hào kiệt chống Pháp ở Vĩnh Long xưa 

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Trong suốt chiều dài lịch sử, đất Vĩnh Long nói riêng và Nam bộ nói chung luôn có những anh hùng đi đầu trong chống ngoại xâm. Trong bài viết này, xin kể những câu chuyện của các bậc hào kiệt chống Pháp ở Vĩnh Long, giai đoạn Pháp mới chiếm đóng Nam kỳ.


Tượng đài Đốc binh Lê Cẩn, Nguyễn Giao.

Từ ngày 20 đến 24 tháng 6 năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long. Trước sức mạnh quân sự áp đảo của thực dân, biết không thể giữ nổi thành, cụ Phan Thanh Giản quyết định giao thành, với yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng. Sau khi thành mất, ông tuyệt thực 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 4 tháng 8 năm 1867. Sau đó Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên lần lượt bị quân Pháp chiếm. Thời ấy, tỉnh Vĩnh Long (1832-1867) có địa bàn rất rộng, bao gồm cả tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh ngày nay.

Sau khi ba tỉnh miền Tây rơi vào tay giặc Pháp, ở Nam bộ đã nổi lên hàng loạt các cuộc khởi nghĩa quy mô lớn. Tiêu biểu như những cuộc khởi nghĩa của các vị anh hùng Trương Quyền (con Trương Định) ở vùng Tháp Mười và Tây Ninh; Phan Tôn, Phan Liêm (hai con trai của cụ Phan Thanh Giản), Lê Cẩn, Nguyễn Giao ở vùng Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc; Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá (Kiên Giang); Thủ Khoa Huân ở Tân An - Mỹ Tho; Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự ở Tân An - Rạch Giá; Đinh Sâm ở Cần Thơ; Lê Công Thành, Phạm Văn Đổng và Âu Dương Lân ở vùng Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên; Trần Văn Thành ở Bảy Thưa (An Giang); Nguyễn Xuân Phụng, Đoàn Công Bửu ở Trà Vinh… Các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Việt Nam bắt đầu vào nửa sau thế kỷ XIX, nổ ra đầu tiên và sớm nhất ở Nam bộ. Dù bị bọn thực dân đàn áp thẳng tay và dù không thành công, nhưng những cuộc khởi nghĩa bi tráng này đã khơi dậy lòng yêu nước, tạo tiền đề các thế hệ sau tiếp tục đấu tranh đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.

Trở lại Vĩnh Long, sau khi cụ Phan Thanh Giản tự vẫn, Pháp chiếm thành Vĩnh Long, hai người con của cụ là Phan Tôn, Phan Liêm tổ chức khởi nghĩa ở vùng Ba Tri, Giồng Trôm thuộc tỉnh Bến Tre. Cuộc nổi dậy này có quy mô khá lớn, bắt đầu từ tổng Bảo An (thuộc huyện Ba Tri ngày nay) thời đó là miền đất kênh rạch, chằng chịt, bạt ngàn rừng dừa nước, chà là gai, bần mắm... thích hợp để đóng quân, mai phục. Giặc Pháp muốn bóp chết cuộc khởi nghĩa từ trong trứng nước nên đêm 9-11-1867, viên sĩ quan De Champeaux chỉ huy một toán quân kéo bao vây làng Hương Điểm (Giồng Trôm). Thế nhưng ngay đêm ấy, hơn 100 nghĩa quân lợi dụng trời tối, mưa to, đã mở cuộc tấn công quyết liệt vào nơi đóng quân của giặc Pháp. De Champeaux bị đâm trọng thương. Bị tập kích bất ngờ, toàn bộ quân giặc hoảng sợ, rút chạy. Hôm sau chúng bắt đầu huy động lực lượng từ Sài Gòn, Vĩnh Long đến chi viện, càn quét. Ngày 12-11, viên quan tư Ansart chỉ huy 3 cánh quân gồm 3 chiến thuyền, 150 lính Pháp cùng với 200 lính mã tà do Vial cầm đầu kéo đến bao vây Hương Điểm. Thực dân Pháp phái Tôn Thọ Tường, vốn là bạn đồng liêu với cụ Phan Thanh Giản, đến Rạch Mù U dụ hàng Phan Tôn và Phan Liêm. Cuộc chiêu hàng thất bại. Hai ông quyết đánh Tây tới cùng!

Một trận đánh tập kích lớn khác của cuộc nổi dậy này là trận Gò Trụi (Giồng Gạch). Paulin Vial, một sĩ quan Pháp tham gia trận này, đã tả lại tinh thần chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân như sau: “Họ đã cầm giáo và cầm gậy, lao đến chụp lấy lưỡi lê. Không thể nào không công nhận lòng can đảm của những người liều chết đánh giáp lá cà chống lại binh lính pháp, một đội quân đã dày dạn trên chiến trường và có súng ống đáng sợ”. Mặc dù bị thiệt hại nặng, đến sáng 16-11-1867, giặc Pháp củng cố, tập trung lực lượng tấn công ác liệt vào Ba Tri và Bảo Thạnh, nghĩa quân lui về Rạch Mù U. Bọn giặc thừa thế, dồn hết lực lượng tấn công quân ta tại căn cứ này. Do quân ít, thế cô, vũ khí thô sơ, sau khi đánh trả quyết liệt, nghĩa quân phải rút khỏi Bảo Thạnh. Giặc Pháp tiếp tục càn quét, đàn áp dã man cuộc nổi dậy. Anh em Phan Tôn, Phan Liêm phải rút bằng đường biển ra Bình Thuận.

Tại huyện Vũng Liêm thuộc Vĩnh Long ngày nay, vào năm 1872, đã nổi lên cuộc khởi nghĩa nổi bật khác. Đó là khởi nghĩa của anh hùng Nguyễn Giao và Lê Cẩn. Xuất thân từ nông dân, nhưng Nguyễn Giao là người có đọc sách thánh hiền. Gặp lúc vận nước suy vong, ông đứng lên kêu gọi nhân dân trong vùng và các sĩ phu yêu nước nổi dậy khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Còn Lê Cẩn, nguyên là một võ quan nhà Nguyễn, làm đến chức Đề đốc, nên còn được gọi là Đốc binh Lê Cẩn. Ông ly khai, không phục tùng lệnh triều đình đầu hàng giặc Pháp, tham gia khởi nghĩa cùng Nguyễn Giao. Cuộc khởi nghĩa được đông đảo tầng lớp nhân dân hưởng ứng.

Dọc theo vàm rạch đổ ra sông Cổ Chiên, đường vào quận lỵ Vũng Liêm, nghĩa quân đào hào lũy, đốn cây lớn ngăn sông, đắp đập. Cách đó 4km là căn cứ của quân khởi nghĩa ở ấp Vạn Điền. Vào một đêm tháng 11-1871, Phó Mai là một hào kiệt trong nhóm lãnh đạo kháng chiến, lên kế hoạch, dẫn vài chục nghĩa quân đánh phá chợ Vũng Liêm. Trận tập kích này, nghĩa quân đã giết được “chủ quận” Hồ Hiện Thực, là tên ác ôn nổi tiếng. Nghĩa quân thu nhiều vũ khí. Sau vụ việc chấn động này, giặc Pháp  mở cuộc đàn áp khủng bố dữ dội, nhưng vẫn không làm nghĩa quân nao núng. Nghĩa quân tạm rút về nơi an toàn chờ thời cơ khởi sự. Tên tay sai Tôn Thọ Tường thay thế tên chủ quận về trấn nhậm Vũng Liêm, âm mưu bình định vùng đất này. 

Tường chiêu dụ dân chúng không manh động, nên an cư lạc nghiệp, Đại Pháp đến đây là để khai hóa dân Nam, phát triển non nước phú cường. Ai theo Tây sẽ được hưởng vinh hoa, phú quý, kẻ nào chống lại sẽ chịu cảnh đầu rơi, máu đổ. Những lời tuyên truyền giả dối của giặc làm không ít người hoang mang, dao động, nhưng những người yêu nước, nghĩa binh của Lê Cẩn, Nguyễn Giao kiên quyết đánh Tây tới cùng. Lê Cẩn nghĩ kế trá hàng và ông viết thư hẹn Salicetty là viên tham biện (chủ tỉnh), gặp nhau tại Cầu Vông để ký kết đầu hàng. Ngày 15-2-1872 Salicetty ngạo mạn, chủ quan dẫn quân đến. Bọn chúng lọt vào ổ phục kích của nghĩa quân. Lê Cẩn và tham biện Pháp vật lộn, dìm nhau dưới nước và cả hai cùng chết. Quân Pháp đi theo bị tiêu diệt hoàn toàn. 

Sau vụ việc gây chấn động cả Nam kỳ lúc ấy, thực dân Pháp cay cú trả thù, đàn áp dã man nhân dân Vũng Liêm. Ngày 23-2-1872, Tổng đốc Trần Bá Lộc dẫn quân lính càn quét, ruồng bố, tàn sát. Ở ấp Đầu Giồng (thuộc xã Bình Phú, huyện Càng Long ngày nay), vào ngày mồng ba Tết hằng năm đều có tổ chức ngày “giỗ hội”. Theo lời kể, có khoảng 200 người dân đã bị giặc Pháp bắt đưa về hành hạ, giết chết rồi vùi xác nơi đây. Trước việc Pháp lạm sát, Nguyễn Giao đành tạm rút quân, tiếp tục kháng chiến đến năm 1885. Ngày 10-5-1885, ông trúng đạn trên sông Cổ Chiên, mất tích. Cuộc khởi nghĩa của Lê Cẩn, Nguyễn Giao dù thất bại, nhưng vẫn là tấm gương anh hùng bất khuất, người đời vô cùng ngưỡng mộ và kính phục.       

Năm 2005, ngành văn hóa Vĩnh Long đã xây dựng tượng đài Đốc binh Lê Cẩn, Nguyễn Giao tại ngã ba An Nhơn, thị trấn Vũng Liêm. Tượng đài cao 7,5m, chất liệu bằng đồng, nặng 21,5 tấn. Tượng đài được xây dựng trong quần thể rộng 2ha với nhiều hạng mục công trình lịch sử văn hóa của Vũng Liêm.

Chia sẻ bài viết