24/08/2015 - 20:05

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo hệ dự bị đại học

Đào tạo hệ dự bị (DB) đại học (ĐH) là một trong những chiến lược của Đảng và Nhà nước nhằm tạo nguồn nhân lực trình độ khoa học kỹ thuật cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc đào tạo hệ DBĐH ở các trường ĐH còn nhiều hạn chế. Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo hệ DBĐH là vấn đề được nhiều đại biểu tham dự Hội nghị "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo hệ DBĐH", do Trường ĐH Cần Thơ tổ chức trung tuần tháng 8 vừa qua, quan tâm thảo luận...

Nhiều hạn chế

Trường ĐH Cần Thơ hiện có 95 chuyên ngành đào tạo ĐH với số lượng hằng năm hơn 50.000 sinh viên, 34 chuyên ngành đào tạo cao học và 13 chuyên ngành đào tạo nghiên cứu sinh, với gần 4.000 học viên. Bên cạnh hệ chính quy, trường chú trọng đào tạo hệ DBĐH. Từ năm 1978 - 2007, các lớp DBĐH do các khoa thuộc khối ngành sư phạm và sau này là khoa Sư phạm quản lý. Để công tác đào tạo hệ DBĐH ngày càng phát triển, năm 2007, trường thành lập khoa DB Dân tộc để trực tiếp quản lý và đào tạo các hệ DBĐH, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật người dân tộc thiểu số vùng sâu, xa, biên giới hải đảo, kinh tế đặc biệt khó khăn cho các tỉnh ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Từ năm học 2010-2011 đến nay, quy mô đào tạo của trường trên 2.270 sinh viên hệ DBĐH (chính quy, cử tuyển, xét tuyển thẳng và nhân lực Tây Nam Bộ).

Đại biểu phát biểu tại Hội nghị khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo hệ Dự bị Đại học”. 

Thạc sĩ Đặng Văn Thuận, Trưởng Khoa DB Dân tộc, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: "Chất lượng đầu vào của học sinh đối với các hệ DB chính quy và nhân lực Tây Nam Bộ đa số học lực khá, một số ít là học sinh giỏi phổ thông. Đối với các hệ DB cử tuyển và xét tuyển thẳng, kiến thức học sinh không đồng đều. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo 2 hệ này chưa cao". Theo Thạc sĩ Thuận, do đặc điểm đa số học sinh hệ DBĐH là người dân tộc Khmer và một số dân tộc khác (Chăm, Tày, Nùng,…) ở vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, kinh tế đặc biệt khó khăn nên chưa thích ứng với môi trường học tập mới… Đồng tình quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường DBĐH TP Hồ Chí Minh, nói: "Học sinh DBĐH phải có một năm hệ thống lại chương trình bậc phổ thông và chuẩn bị một bước để học tốt bậc ĐH. Tuy nhiên, do học nhiều năm ở vùng sâu, xa, nên học sinh hạn chế phương pháp học tập, thiếu chủ động, khả năng ghi bài giảng; ít tham khảo giáo trình, tài liệu. Mặt khác, chương trình giảng dạy theo đề cương 11 môn quy định tại Thông tư số 48 của Bộ GD&ĐT là khá nặng, nên đa số học sinh không theo kịp chương trình, tạo tâm lý ngán học". Trường DBĐH TP Hồ Chí Minh tham gia bồi dưỡng học sinh hệ DBĐH từ năm 1989-1990, đến nay có 25 khóa học, quy mô tăng dần hằng năm, từ 300 đến 790 học sinh/năm học.

Cần giải pháp căn cơ

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đào tạo hệ DBĐH nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy và học. Bên cạnh đó, các trường có nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng đầu vào, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy… phục vụ hệ DBĐH. Đơn cử Trường ĐH Cần Thơ, năm học 2013-2014, trường đưa vào sử dụng khu hành chính Khoa Dự bị Dân tộc, với tổng kinh phí 25 tỉ đồng. Khoa được trang bị phòng máy tính có nối mạng internet, tất cả phòng học được lắp đặt máy chiếu phục vụ giảng dạy… Thạc sĩ Thuận cho biết: "Sau khi xét tuyển vào hệ DBĐH, cần bố trí mỗi lớp 30-40 học sinh, tăng chất lượng giảng dạy, nhất là đối với các môn tiếng Anh, Tin học. Đồng thời nâng cao vai trò cố vấn học tập trong việc nhắc nhở học sinh thực hiện đúng quy chế, quy định của trường; tổ chức phong trào thi đua để giúp học sinh có động cơ học tập đúng đắn".

Tại hội nghị, đại biểu đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo hệ DBĐH. Trong đó, giải pháp nhiều người hướng đến là đổi mới phương pháp giảng dạy ở hệ đào tạo này, nhằm phát huy khả năng tự sáng tạo của người học. Thạc sĩ Lê Trọng Tuấn, Hiệu trưởng Trường DBDT Trung ương, cho rằng: "Việc rèn kỹ năng học tập của học sinh rất quan trọng, giúp các em có phương pháp học hợp lý, khoa học mà trọng tâm chính là phương pháp tự học. Để làm được điều này, đòi hỏi các trường phải tổ chức dạy kỹ năng tự học theo mô-đun cho học sinh DBĐH dân tộc. Theo đó, ngoài thời gian học tại lớp còn có thời gian tự học bắt buộc có sự giám sát của giáo viên; đồng thời thiết kế quy trình dạy các kỹ năng tự học cần thiết cho học sinh DBĐH dân tộc". Còn theo Thạc sĩ Hồ Thị Thu Hồ, Trưởng bộ môn Sư phạm Địa lý, Khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ, qua thực tế giảng dạy, nghiên cứu ở các lớp hệ DB khối C, khối khoa học và xã hội nhân văn, để việc giảng dạy hệ DBĐH đạt hiệu quả đòi hỏi có sự đổi mới toàn diện từ chương trình, tài liệu, phương pháp giảng dạy và đánh giá sinh viên. Chương trình phải giảm lý thuyết, tăng thực hành, tăng các môn học rèn luyện kỹ năng, gắn liền học tập với thực tế cuộc sống tại địa phương, cộng đồng,…

Ông Nguyễn Huy Thái, chuyên viên Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ GD&ĐT, nhấn mạnh: "Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tạo điều kiện đào tạo hệ DBĐH. Qua hội nghị này, tôi ghi nhận khó khăn và kiến nghị về Bộ GD&ĐT để tìm ra giải pháp tốt nhất cho các trường; đồng thời có văn bản hướng dẫn cụ thể, phù hợp mùa tuyển sinh năm nay; thành lập ban soạn thảo chương trình, giảm bớt lý thuyết, tăng cường thực hành thực tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo hệ DBĐH.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết