06/03/2018 - 07:40

Duy trì, nâng chất phổ cập giáo dục 

Phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ (XMC) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nhiều năm qua, TP Cần Thơ đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để duy trì, nâng cao chất lượng PCGD ở các bậc học.

Nỗ lực chung

Phong Điền là một trong các quận, huyện của thành phố thực hiện hiệu quả PCGD-XMC: 100% xã, thị trấn thuộc huyện đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi; số người biết chữ từ 15 đến 60 tuổi đạt 94,30% (được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2); 99,85% trẻ từ 11 đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học... Theo lãnh đạo ngành giáo dục huyện Phong Điền, đây là kết quả từ sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của lãnh đạo địa phương và nỗ lực của ban ngành đoàn thể các cấp. Chẳng hạn, các cấp hội khuyến học (HKH) huyện làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, giúp học sinh nghèo có điều kiện đến trường. Đầu năm học 2017-2018, ngành đã phối hợp với HKH huyện vận động hơn nửa tỉ đồng để phát học bổng, quà, xe đạp... cho học sinh.

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần thực hiện hiệu quả PCGD, XMC. Trong ảnh: Một góc Trường THCS Hưng Phú, một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của quận Cái Răng. Ảnh: B.KIÊN
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần thực hiện hiệu quả PCGD, XMC. Trong ảnh: Một góc Trường THCS Hưng Phú, một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của quận Cái Răng. Ảnh: B.KIÊN

Theo ông Hồ Hữu Thậm, Chủ tịch HKH huyện Phong Điền, để duy trì kết quả PCGD, XMC ở địa phương, điều tiên quyết là sự đồng lòng của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội để cùng huy động học sinh, nhất là học sinh nghèo ra lớp. Tại xã Giai Xuân, một trong các đơn vị thực hiện hiệu quả PCGD, XMC, năm 2017 đã vận động trên 28 triệu đồng cho quỹ khuyến học, khuyến tài. Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Chủ tịch HKH xã Giai Xuân - Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã Giai Xuân, cho biết:  “Công tác PCGD, XMC đòi hỏi cán bộ khuyến học bám sát cơ sở, không ngừng tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp. Năm trước, xã có 1 học sinh ở ấp Tân Hưng, hoàn cảnh khó khăn, nhà lại xa trường mà không có phương tiện đi học. Chúng tôi đến gia đình tìm hiểu hoàn cảnh và vận động mạnh thường quân hỗ trợ xe đạp cho em. Kiên trì vận động một thời gian, em đã trở lại trường và đang học lớp 9”. Với cách làm này, những năm qua, Trường THCS Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền), đều mở và duy trì được các lớp phổ cập, hạn chế nhiều học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ tốt nghiệp THCS trong độ tuổi 15-18; góp phần giúp địa phương duy trì chuẩn PCGD THCS từ năm 2004 đến nay.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập - chống mù chữ - phổ cập giáo dục (Ban Chỉ đạo) các quận, huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Bình Thủy, Ninh Kiều… đã nỗ lực thực hiện công tác này, đạt kết quả khích lệ. Năm học 2016-2017, huyện Vĩnh Thạnh được công nhận đạt chuẩn PCGD, XMC; trong đó, PCGD tiểu học đạt mức độ 3. Lãnh đạo Ban Chỉ đạo huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Năm học 2016-2017, ngành giáo dục đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện trao quà, học bổng với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng để học sinh khó khăn được tiếp tục đến trường. Đồng thời, quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia, góp phần thực hiện hiệu quả công tác PCGD, XMC.  

Cộng đồng trách nhiệm

Tuy đạt được kết quả nhất định, nhưng công tác PCGD, XMC của thành phố hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều lãnh đạo sở ngành, quận huyện cho rằng: Chất lượng PCGD THCS chưa cao, học sinh trong độ tuổi trên địa bàn tốt nghiệp THCS chỉ đạt từ 85-87% và vẫn còn tình trạng bỏ học. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gia đình chưa quan tâm đúng mức đến việc học hành của con em. Theo Ban Chỉ đạo huyện Vĩnh Thạnh, vẫn còn các em học sinh trong độ tuổi 15-21 phải lao động kiếm sống; không hiếm trường hợp phải đi làm ăn xa, thanh thiếu niên trong độ tuổi phổ cập sau khi tốt nghiệp THCS và THPT đã bỏ học để lao động chân tay nuôi gia đình.

  Tất cả 85 xã, phường, thị trấn của TP Cần Thơ đều đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2; trong đó 73 đơn vị đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3. Tất cả 9 quận, huyện củng cố vững chắc kết quả PCGD THCS; tất cả 85 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1 (trong đó 20 đơn vị đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2; 3 đơn vị đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3).

Đáng quan ngại hơn, cơ sở vật chất, trường lớp ở một số địa phương xuống cấp nặng. Thành phố vẫn còn 19 xã, phường, thị trấn chưa có trường THCS; số trường THPT ở một số quận, huyện ít nên chưa đáp ứng nhu cầu đi học của học sinh… Tại một số xã (Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái... thuộc huyện Phong Điền), địa bàn rộng, học sinh phải đi học ở nhiều trường ngoài xã, ngoài huyện, kể cả ở các trường của tỉnh Hậu Giang. Cơ sở vật chất của trường THCS- như THCS Nhơn Nghĩa- chỉ đủ phòng học cho các lớp phổ thông. Để dạy học các lớp phổ cập, trường phải mượn tạm phòng học của các trường tiểu học. Ngoài ra, công tác phân luồng học sinh sau THCS vẫn chưa thực sự hiệu quả, học sinh tốt nghiệp THCS theo học các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề rất ít...

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: PCGD, XMC có vai trò quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương. Do đó, Ban chỉ đạo các quận, huyện cần rà soát, chấn chỉnh hoạt động giáo dục; xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch, đảm bảo chất lượng PCGD. Đồng thời kiện toàn bộ máy tổ chức và phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo. Ban ngành, đoàn thể các cấp tập trung mọi nguồn lực, chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới trường lớp, nhất là bậc THCS; chăm lo học sinh, không để các em bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. 

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết