25/05/2016 - 20:43

ĐỌC “VUI BUỒN TRONG HỘP”

Cuộc chiến trong mỗi con người

Qua số phận của 7 con người khác nhau cùng sống tù túng trong một khu chung cư nhỏ hẹp, cùng tự nhốt mình trong sự bức bí của tâm hồn và cô đơn, tiểu thuyết "Vui buồn trong hộp" (NXB Trẻ -2016) của Đoàn Bảo Châu khắc họa sinh động cuộc chiến nội tâm của con người trên con đường đi tìm hạnh phúc.

Câu chuyện được viết theo lối tự sự của 7 nhân vật chính. Đó là Hoài Thương, một nhà báo trẻ nhiệt huyết nhưng kinh tế luôn chật vật, khó khăn; Huyền My, một cô gái xinh đẹp, sống khép kín với quá khứ u buồn; Hoàng Phi, một sinh viên nghèo luôn lo nghĩ cơm áo gạo tiền; bà Nhẫn, một người vợ cam chịu, chấp nhận làm cái bóng bên chồng con; Diễm Lệ, cô gái làng chơi nghĩa khí; Cường "thầy thuốc"– một luật sư nửa chính nửa tà; Thu, cô gái luôn mang mặc cảm nhan sắc và buồn chán cuộc sống ngột ngạt của gia đình. Mỗi chương là lời tâm sự của một nhân vật về cuộc sống, biến cố cuộc đời, cứ thế xoay vòng cho đến hết tác phẩm.

Tưởng rằng sẽ chẳng liên quan gì nhau nhưng thực chất có sự ràng buộc chặt chẽ giữa 7 con người ấy. Họ đều bị nhốt trong những chiếc hộp hữu hình và vô hình. Khu chung cư cũ kỹ, chật hẹp ở Hà Nội- nơi họ sinh sống- như chiếc hộp hữu hình mà mọi hỉ, nộ, ái, ố của mỗi nhà đều ảnh hưởng đến mọi người. Còn chiếc hộp vô hình là những định kiến cố hữu về tư duy, tâm lý và xã hội, sự bức bí trong đời sống nội tâm của mỗi nhân vật, gây ra đau khổ và bi kịch cho họ.

Đoàn Bảo Châu đã chắc tay đào sâu tâm lý nhân vật, qua đó, dẫn dắt người đọc khám phá từng góc khuất của cuộc sống, niềm vui, nỗi buồn cũng như những trăn trở, bi ai của kiếp người. Chàng phóng viên muốn dùng ngòi bút để vạch trần sai trái, vô lý trong xã hội nhưng có lúc cũng "lực bất tòng tâm"; sau vấp ngã đầu đời, Huyền My muốn làm lại từ đầu nhưng sai lầm trong quá khứ đã tước đi quyền làm mẹ của cô gái trẻ khiến cô không dám mở lòng với người đàn ông nào nữa; bà Nhẫn sau nỗi đau người yêu hy sinh trong kháng chiến, nhắm mắt lấy chồng cho vừa lòng gia đình, nào ngờ lại bước vào một cuộc hôn nhân đau khổ…

Trong các nhân vật, những con người bị xã hội coi thường lại tạo ấn tượng, cảm tình. Đằng sau vẻ ngoài đanh đá, chua ngoa của Diễm Lệ là một tâm hồn tình cảm, hết lòng vì người khác. Vì muốn có tiền chữa bệnh cho cha mà cô bán mình, lỡ bước; nhưng vẫn giữ được một phần tâm hồn mình khi đòi lại công bằng cho những cô gái bị ức hiếp. Hay như Cường "thầy thuốc"- am hiểu cả luật pháp và luật giang hồ, bề ngoài ăn chơi trác táng, khó gần nhưng thực chất thường giúp người sức yếu thế cô.

Mỗi số phận đem đến cho người đọc cái nhìn sáng rõ về sự phức tạp, đa chiều của cuộc sống. Càng về sau, tác phẩm càng lôi cuốn với những kịch tính, mâu thuẫn và xung đột buộc các nhân vật phải lựa chọn giữa cam chịu hay vùng lên đấu tranh, tìm lại hạnh phúc cho chính mình. Trong cuộc chiến ấy, mỗi người chọn hướng giải quyết riêng nhưng tất cả đều không chấp nhận tiếp tục cuộc sống tù túng, ngột ngạt nữa. Kết cuộc có người thắng, có kẻ thua, có niềm vui, nỗi buồn, có cả máu và nước mắt… nhưng dù thế nào, không ai hối hận với quyết định của mình.

"Vui buồn trong hộp" là một câu chuyện đầy tính nhân văn, để lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết