21/10/2021 - 08:22

Xung quanh vụ Trung Quốc thử vũ khí siêu vượt âm 

Theo giới chuyên môn, Trung Quốc bác bỏ thông tin vụ phóng tên lửa siêu vượt âm, nhưng nếu họ thật sự tiến hành thử nghiệm thì sự kiện này cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Trung Quốc phóng tên lửa đưa người lên trạm không gian hôm 16-10. Ảnh: Getty Images

Hôm 17-10, tờ Financial Times đưa tin Trung Quốc trong tháng 8 đã phóng một tên lửa siêu vượt âm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này được mô tả bay quanh Trái đất ở quỹ đạo tầm thấp trước khi tăng tốc tới mục tiêu. Tuy nhiên, báo cáo cho biết tên lửa lao xuống khi còn cách mục tiêu tới 32km. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó cho biết đây chỉ là vụ thử theo thông lệ đối với tàu không gian có thể tái sử dụng.

Ðặt tình huống các nguồn tin từ nhật báo Anh được xác nhận, Nga hôm 19-10 cho biết vụ thử cũng không vi phạm những trách nhiệm quốc tế của Bắc Kinh. Theo phát ngôn viên Ðiện Kremlin Dmitry Peskov, Trung Quốc đang phát triển các hệ thống vũ khí trong khuôn khổ trách nhiệm quốc tế của nước này, không gây đe dọa cho Mát-xcơ-va. Trước đó, cả Nga và Mỹ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm tối tân lần lượt trong tháng 7 và tháng 9. Ngay cả CHDCND Triều Tiên tháng rồi cũng thông báo thử nghiệm một tên lửa siêu vượt âm mới được phát triển.

Dù vậy, tờ Financial Times dẫn nhiều nguồn tin ẩn danh tiết lộ tình báo Mỹ “khá bất ngờ” đối với vụ thử vũ khí của Trung Quốc. Về mặt quân sự, bắn phá mục tiêu từ quỹ đạo theo cách này có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có. Trong tình huống tên lửa Trung Quốc hướng tới Mỹ, nó có thể né tránh nhiều radar cảnh báo sớm và lao tới mục tiêu từ bất kỳ hướng nào. Nhưng về mặt kỹ thuật, các nhà chuyên môn cho biết họ không quá ngạc nhiên với “vũ khí siêu vượt âm” của Trung Quốc, bởi theo mô tả thì đây không phải công nghệ mới. Theo đó, chi tiết tên lửa bay vòng quanh địa cầu trước khi tăng tốc về phía mục tiêu cho thấy nó được phát triển dựa trên Hệ thống Bắn phá Quỹ đạo Phân đoạn (FOBS) vốn được Mỹ và Liên Xô nghiên cứu trong Chiến tranh Lạnh. Liên Xô sau đó đã triển khai hệ thống FOBS nhưng loại khỏi biên chế vào giữa những năm 1980 do có nhiều bất ổn.

Vấn đề hiện nay, theo giới phân tích, các vụ thử phản ánh cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm với các quốc gia nhỏ hơn ở châu Á đang nỗ lực phát triển tên lửa tầm xa tiên tiến bên cạnh những cường quốc quân sự. Ðối với tin tức mới nhất về Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin không bình luận vụ thử như báo chí đã đưa, nhưng khẳng định Washington theo dõi sát sao sự phát triển các hệ thống vũ khí hiện đại của Bắc  Kinh.

Theo một số chuyên gia, Trung Quốc đang nỗ lực để có thể ngang hàng hoặc vượt qua sự thống trị của Mỹ trong năng lực không gian nhằm thu về lợi ích kinh tế, quân sự. Năm ngoái, Trung Quốc thực hiện sứ mệnh đặc biệt trên Mặt trăng lần đầu sau 50 năm. Ðến tháng 5, nước này thông báo đã hạ cánh thành công tàu thăm dò trên sao Hỏa lần đầu tiên. Hôm 16-10, Trung Quốc tiếp tục đưa nhóm phi hành gia thứ 2 lên trạm không gian mới hoạt động trên quỹ đạo địa tĩnh. Về phát triển vũ khí, các nhà phân tích dựa trên hình ảnh vệ tinh hồi tháng 7 cho biết Bắc Kinh đang xây thêm hơn 100 hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Jeffrey Lewis, chuyên gia về tên lửa tại Trung tâm James Martin trụ sở tại Mỹ, cho biết Trung Quốc đã sở hữu khoảng 100 ICBM trang bị vũ khí hạt nhân có thể tấn công Mỹ. Ngoài đa dạng kho vũ khí hạt nhân, Bắc Kinh được cho nắm giữ vũ khí chống vệ tinh và thường xuyên phóng tên lửa vào không gian hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

MAI QUYÊN (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết