10/07/2010 - 09:10

Xung quanh vụ Na Uy bắt giữ ba nghi can khủng bố

Cảnh sát Na Uy trong vụ bắt giữ 3 phần tử tình nghi khủng bố. Ảnh: AFP

Việc cảnh sát Na Uy bắt giữ một người Uzbek, một người Duy Ngô Nhĩ và một người Kurd hôm 8-7, tất cả đều bị cho là có liên hệ với al-Qaeda, cho thấy khả năng các tổ chức thánh chiến (Jihad) đã được tổ chức tốt hơn ở nước ngoài thành một mặt trận thống nhất, mà ở đó sắc tộc và quốc tịch không còn là yếu tố quan trọng nữa. Điều này có nghĩa là các phần tử cực đoan xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau ở khắp nơi trên thế giới đang tập hợp lại với nhau. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với các nước phương Tây trong việc nhận dạng nghi can khủng bố.

Các quan chức Na Uy cho biết họ đã bắt giữ 3 người đàn ông, 2 ở Na Uy và 1 ở Đức, bị tình nghi “chuẩn bị các hoạt động khủng bố”. Cảnh sát Na Uy gọi: “tên 1” là người Duy Ngô Nhĩ, 39 tuổi, ở Trung Quốc tới Na Uy vào cuối thập niên 1990 để tị nạn và được cấp thẻ công dân vào năm 2007; “tên 2” là người Kurd, 37 tuổi, ở Iraq nhập cư Na Uy cuối thập niên 1990, sau đó được trao thẻ công dân vĩnh viễn; và “tên 3” là người Uzbek, 31 tuổi, xin tị nạn vào đầu thập niên 2000, sau đó cũng được trao quy chế công dân vĩnh viễn. Cả ba đều không được tiết lộ danh tánh.

Vẫn chưa rõ mục tiêu tấn công là ở Na Uy hay ở nước khác, nhưng 3 nghi can khủng bố nói trên bị cho là đang lên kế hoạch đánh bom tự tạo tương tự như âm mưu tấn công nhằm vào hệ thống xe điện ngầm ở New York bị phát giác hồi tháng 9 năm ngoái. Hôm 7-7, cảnh sát Anh cũng bắt giữ một nghi can liên quan tới kế hoạch đánh bom bất thành nhằm vào một trung tâm mua sắm ở Manchester, phía Bắc nước Anh, hồi tháng 4-2009. Các quan chức Mỹ cho rằng âm mưu đánh bom ở Manchester và New York “có liên quan trực tiếp”, và những dấu hiệu ban đầu từ vụ bắt giữ ở Na Uy cũng cho thấy sự liên hệ. Janne Kristiansen, Tổng Giám đốc Công an Na Uy, cho biết nhóm người này có liên hệ với mạng lưới al-Qaeda và vụ việc liên quan tới Mỹ và Anh. Các nhà điều tra Mỹ cho rằng các phần tử bị bắt trong 3 âm mưu tấn công trên có thể được một người Arabie Seoudite 34 tuổi tên là Adnan el Shukrijunmah tuyển mộ vào al-Qaeda.

Vì vậy, vụ bắt giữ ở Na Uy cho thấy khả năng các tổ chức Hồi giáo cực đoan xuyên quốc gia liên kết chặt chẽ để tập hợp nhiều phần tử lại nhằm thực hiện kế hoạch tấn công liên hoàn. Maha Azzam, chuyên gia tại Chatham House - tổ chức nghiên cứu quốc tế ở Luân Đôn, cho rằng chưa xác định mục tiêu, nhưng mạng lưới này đang đi những bước đầu tiên, liên kết và lập kế hoạch.

NGUYỄN HOÀNG (Theo Time, Csmonitor, WSJ)

Chia sẻ bài viết