04/11/2010 - 21:59

Xung quanh chuyến công du châu Á của ông Obama

 Tổng thống Obama không giấu nỗi buồn sau thất bại của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vừa qua. Ảnh: AFP

Theo kế hoạch hôm nay (5-11), Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bắt đầu chuyến thăm châu Á kéo dài trong 10 ngày, trước tiên là Ấn Độ, sau đó qua Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là chuyến công du nước ngoài dài ngày nhất của ông Obama kể từ khi lên nắm quyền, cho thấy Washington đánh giá cao vai trò của châu Á trong chiến lược ngoại giao của nước Mỹ.

Chuyến đi này diễn ra trong bối cảnh đảng Dân chủ của ông Obama để mất quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử quốc hội nửa nhiệm kỳ hôm 2-11 vừa qua. Các nhà phân tích cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của sự thất bại này là do chính quyền của ông Obama chưa thể vực dậy nền kinh tế và giải quyết tốt việc làm cho người dân nước Mỹ như cam kết trước đây. Chính vì vậy, trong nửa nhiệm kỳ còn lại của mình, ông chủ Nhà Trắng và tập thể đảng Dân chủ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để chứng tỏ khả năng lãnh đạo đất nước và qua đó mới có thể hy vọng được cử tri Mỹ tiếp tục tín nhiệm.

Nhưng để thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn và giúp tạo ra thêm việc làm trong tình cảnh hiện nay, các nhà phân tích cho rằng một trong những giải pháp mà chính quyền Obama chú trọng là tăng cường quan hệ đối ngoại nhằm tạo cơ hội phát triển thị trường xuất khẩu hàng hóa và cân bằng cán cân thương mại. Ông Obama đã cam kết tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Mỹ trong 5 năm, nhưng mục tiêu này sẽ khó thực hiện được nếu Washington không thể mở rộng cửa thị trường châu Á, châu lục đông dân nhất và có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới.

Tại châu Á, Mỹ đang nhắm tới thị trường mua sắm hàng hóa đắt tiền đầy tiềm năng của Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới với hơn 1,2 tỉ người tiêu dùng nhưng thời gian qua chỉ là đối tác thương mại thứ 14 của Mỹ. Washington cũng coi trọng thị trường Hàn Quốc khi cùng nước này ký thỏa thuận tự do thương mại từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa có hiệu lực vì sự phản đối của Quốc hội Mỹ. Các nhà lập pháp Mỹ tuyên bố chỉ xem xét thông qua thỏa thuận trên cho đến khi nào ông Obama thúc ép thành công Seoul chấm dứt chính sách cấm vận thịt bò và tạo thuận lợi hơn cho việc nhập khẩu ô-tô của Mỹ.

Ngoài vấn đề thỏa thuận tự do thương mại với Hàn Quốc, Tổng thống Obama trong chuyến thăm châu Á đầu tiên năm 2009 đã từng thông báo tham gia tiến trình đàm phán xây dựng thỏa thuận tự do thương mại xuyên khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 7 nước khác là Chile, Singapore, Úc, New Zealand, Brunei và Việt Nam. Nhật Bản và Canada cũng đã đánh tiếng muốn tham gia tiến trình đàm phán này.

Nhưng để thương mại Mỹ phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, chính quyền Obama quan tâm đến chính sách tỷ giá hối đoái quốc tế, đặc biệt là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Cho nên, vấn đề tiền tệ sẽ là một trong những chủ đề trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20) tại Seoul (Hàn Quốc) và hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Yokohama (Nhật Bản) mà ông Obama sẽ tham dự nhân chuyến thăm châu Á lần này. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bên lề hội nghị G20 cũng tập trung thảo luận vấn đề gây tranh cãi này.

Ngoài ý nghĩa kinh tế và thương mại, theo nhận định của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Nicholas Burns, sự hiện diện của Tổng thống Obama còn mang thông điệp cam kết của Mỹ về việc xây dựng “mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài”, một kiểu liên minh với Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước khác trong tương lai nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

PHÚC NGUYÊN (Theo AP, AFP và Reuters)

Chia sẻ bài viết