17/11/2012 - 17:33

Xung quanh chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Obama

Ảnh: Reuters

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi tái đắc cử, Tổng thống Barack Obama nhắm tới mục tiêu xây dựng quan hệ thương mại với châu Á, trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng đang tạo điều kiện để các nước trong khu vực thiết lập mối quan hệ kinh tế và quân sự gần gũi hơn với Mỹ.

Theo báo Bloomberg của Mỹ, Tổng thống Obama sẽ đến Thái Lan trong ngày hôm nay 18-11 và gặp gỡ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Đầu tuần này, chính phủ của bà Yingluck thông báo Thái Lan sẽ tiến hành đàm phán để trở thành quốc gia thứ 12 tham gia Hiệp định thương mại tự do Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ hậu thuẫn. Cho đến nay, đã có 11 nước tham gia đàm phán TPP, gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Úc, Peru, Mỹ, Malaysia, Việt Nam, Canada và Mexico.

Ngày 19-11, ông Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Myanmar. Tại đây, ông sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Thein Sein và lãnh đạo phe đối lập San Suu Kyi. Trong nỗ lực nhằm khích lệ Myanmar mở rộng cải cách dân chủ và kinh tế, Tổng thống Obama hồi tháng 7 đã khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á, mở đường cho các tập đoàn lớn như General Electric, Coca Cola, MasterCard… triển khai hoạt động kinh doanh tại nước này.

Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến đi 3 ngày của ông chủ Nhà Trắng là Thủ đô Phnom Penh của Campuchia, nơi ông sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và gặp gỡ nhiều đối tác quan trọng như Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và nhiều nhà lãnh đạo khác trong khu vực.

Theo Bloomberg, vấn đề tranh chấp lãnh thổ sẽ là một trong những chủ đề "nóng" tại hội nghị này. Thái độ cứng rắn của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp biển đảo đã đẩy nhiều nước láng giềng ngày càng xích gần với Mỹ và chính quyền của Tổng thống Obama cũng có kế hoạch điều động tới 60% nguồn lực hải quân đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh việc củng cố liên minh quân sự với Mỹ, Nhật Bản còn đẩy mạnh đầu tư vào khu vực Đông Nam Á sau khi nỗ lực quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp với Trung Quốc Senkaku/Điếu Ngư khiến thương mại song phương của hai nền kinh tế lớn nhất nhì châu Á bị tổn thất tới 340 tỉ USD. Dự kiến, Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ thúc giục Trung Quốc khởi động đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) nhằm tránh nguy cơ xảy ra xung đột.

Phát biểu trước báo giới tại Washington, ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, cho biết mặc dù hội nghị sẽ không giải quyết được những tranh chấp trên biển Đông, nhưng ông Obama sẽ tiếp tục thúc giục việc tìm kiếm giải pháp, đồng thời kiềm chế leo thang căng thẳng có khả năng dẫn tới xung đột. Đối với Trung Quốc, Tổng thống Obama sẽ không sử dụng sức mạnh cơ bắp hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua, ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney bóng gió rằng ông sẽ xem Trung Quốc như một kẻ thao túng thị trường tiền tệ. Trong khi đó, với việc chấp thuận lời mời đến thăm các nước Đông Nam Á, Tổng thống Obama đang cho thấy ông chọn cách tiếp cận Trung Quốc bằng một thái độ trung lập và bình đẳng, thay cho đối đầu trực tiếp mà theo nhận định của Thời báo New York (Mỹ) thì đó là một đối sách thông minh và khôn khéo.

Với chuyến công du lần này, giới phân tích nhận định Tổng thống Obama đang đẩy mạnh việc thay đổi trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Mỹ từ "vũng lầy" Trung Đông sang khu vực giàu tiềm năng châu Á, trong đó nhấn mạnh trọng tâm là các nước mới nổi ở Đông Nam Á. Dù chưa thể lấy lại cái "thời hoàng kim" của thập niên 1980 và 1990, nhưng Đông Nam Á hiện được xem là mảnh đất màu mỡ để Mỹ đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường, gầy dựng ảnh hưởng, thêm đối tác mới và củng cố các mối quan hệ lâu năm.

THANH TRÚC (Theo Bloomberg, NY Times)

Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa của Myanmar

Ngày 16-11, Tổng thống Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu kéo dài gần một thập kỷ qua đối với hàng hóa từ Myanmar.Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ, nền kinh tế số một thế giới này sẽ "mở cửa" đối với hầu hết các sản phẩm của Myanmar, ngoại trừ đá quý - vốn bị coi là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tham nhũng và bạo lực ở quốc gia Đông Nam Á này.

Thông cáo trên nêu rõ động thái này là nhằm "ủng hộ và khuyến khích các nỗ lực cải cách của chính quyền Nay Pyi Taw cũng như mở ra các cơ hội mới đối với giới doanh nghiệp của cả hai nước".


Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết