10/10/2019 - 07:13

Xu hướng chính quyền tinh gọn trên thế giới 

Hạ viện Ý ngày 8-10 đã bỏ phiếu thông qua dự luật cắt giảm số thành viên tại cơ quan lập pháp này từ 630 xuống còn 400 và số thành viên tại Thượng viện từ 315 xuống còn 200.

Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio (giữa) xé băng rôn có hình ghế nghị sĩ sau khi dự luật được thông qua. Ảnh: AP

Dự luật cải cách nói trên được thúc đẩy bởi đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S), chính đảng chủ chốt trong liên minh cầm quyền hiện nay tại quốc gia hình chiếc ủng. M5S lập luận rằng dự luật sẽ giúp tinh gọn quốc hội và tiết kiệm hàng trăm triệu euro tiền lương cấp cho các nghị sĩ cũng như những chi phí khác. Tổng cộng trong vòng 10 năm, số tiền tiết kiệm có thể lên tới khoảng 1 tỉ euro. Riêng hãng tin AGI ước tính mỗi hạ nghị sĩ ở Ý tiêu tốn 230.000 euro mỗi năm, trong khi mỗi thượng nghị sĩ là 249.600 euro. Tổng cộng việc cắt giảm số nghị sĩ theo dự luật trên sẽ giúp Hạ viện và Thượng viện Ý mỗi năm tiết kiệm lần lượt 52,9 triệu euro và 28,7 triệu euro. Đây là lần thứ tám Ý nỗ lực cắt giảm số nghị sĩ kể từ năm 1983. Ý hiện là quốc gia có số lượng nhà lập pháp nhiều thứ ba trên thế giới, xếp sau Trung Quốc (gần 3.000 thành viên) và Anh (1.443). Dự luật lần này sẽ có hiệu lực sau cuộc tổng tuyển cử kế tiếp, dự kiến diễn ra vào năm 2023, mặc dù có khả năng phải đưa ra trưng cầu dân ý do nó làm thay đổi Hiến pháp Ý.

Như vậy, Ý trở thành quốc gia mới nhất đi theo xu hướng chính quyền tinh gọn phổ biến hiện nay. Hồi cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ Pháp cũng đã đưa ra quốc hội dự luật theo đó giảm số ghế tại Hạ viện từ 577 xuống còn 433, trong khi Thượng viện từ 348 xuống còn 261 thành viên. Đây là một trong hai bước đi mà ông Emmanuel Macron đã cam kết thực hiện khi vận động tranh cử tổng thống hồi năm 2017. Thật ra, số nghị sĩ tại Quốc hội Pháp sau khi cắt giảm vẫn còn nhiều hơn con số 535 đồng nghiệp Mỹ ở Đồi Capitol.

Không chỉ quốc hội mà chính phủ cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Khi công bố nội các mới hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Nam Phi President Cyril Ramaphosa đã quyết định giảm số lượng bộ trưởng từ 36 xuống còn 28. Động thái này diễn ra sau khi Nam Phi kết hợp nhiều bộ với nhau trong nỗ lực tái cơ cấu bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn.

Trong khi đó, nhằm giảm bớt chi tiêu trong chính phủ, nội các Malaysia năm ngoái đã nhất trí cắt giảm 10% lương cơ bản của tất cả các bộ trưởng. Còn ở xứ cờ hoa, Tổng thống Donald Trump cũng từng yêu cầu tất cả các thành viên nội các của ông cắt giảm 5% ngân sách trong năm 2019.

Ở các cấp thấp hơn, chính quyền bang Manitoba của Canada đang tinh gọn bộ máy. Theo báo cáo công bố hôm 1-10, hiện tỉnh bang này có 12.839 nhân viên hành chính, ít hơn năm 2016 xấp xỉ 2.000 người.  Những con số này chưa bao gồm các trường hợp bị cắt hợp đồng ở khu vực công, chẳng hạn như các công ty quốc doanh- nơi phải cắt giảm 15% vị trí quản lý- hoặc các cơ quan y tế.

THANH BÌNH (Theo AFP, The Star)

Chia sẻ bài viết