29/07/2015 - 20:52

Xích lại gần trong căng thẳng

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 29-7 đã có chuyến thăm Trung Quốc sau những căng thẳng trong quan hệ hai nước liên quan đến vấn đề người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vốn gần gũi về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo với người Thổ. Chuyến công du của ông Erdogan diễn ra giữa lúc chính quyền Ankara phát động chiến dịch quân sự chống đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ bị họ coi là một tổ chức khủng bố và nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syrie.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong cuộc họp khẩn cấp hôm 28-7 tại Brussels (Bỉ) đã ra tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ chống IS, nhưng phản đối nước này dùng quân sự chống PKK được phương Tây nhìn nhận như là một đảng đối lập. Vì thế, Ankara không yêu cầu sự trợ giúp nào từ NATO và chỉ cho phép Mỹ mượn căn cứ không quân Incirlik để cùng thiết lập cái gọi là "vùng phi IS" ở phía Bắc Syrie. Không cần sự hỗ trợ quân sự của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ bị nghi ngờ có thể đang xúc tiến kế hoạch mua hệ thống tên lửa HQ-9 cùng thiết bị công nghệ được chia sẻ với cái giá "phải chăng" của Trung Quốc, thay vì hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ hay một hệ thống tên lửa tiên tiến khác của châu Âu quá đắt đỏ.

Theo Thời báo New York của Mỹ, thực chất giữa Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ bấy lâu nay vẫn "lấn cấn" quanh chính sách đối đãi của Bắc Kinh đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ. Năm 2009, khi còn là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan từng mô tả rằng Trung Quốc đang thực thi một loại chính sách "diệt chủng" chống người Duy Ngô Nhĩ. Ấy vậy mà quan hệ kinh tế giữa hai nước vẫn không ngừng phát triển. Kim ngạch thương mại từ 650 triệu USD cách đây gần một thập niên lên 23 tỉ USD hồi năm ngoái. Lãnh đạo hai nước còn đạt được thỏa thuận thiết lập quan hệ "đối tác chiến lược" vào năm 2010.

Hồi đầu tháng 7 vừa qua, người dân Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara và Istanbul xuống đường và tấn công lãnh sự quán Thái Lan để phản đối nước này trao trả hơn 100 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc, dù trước đó chính quyền Bangkok đã đưa hơn 170 phụ nữ và trẻ em Duy Ngô Nhĩ sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, không vì thế mà ảnh hưởng đến những toán tính chiến lược của hai nước trong việc xích lại gần nhau hơn, giữa một thành viên NATO với đối thủ cạnh tranh của Mỹ, dù bối cảnh hiện tại quả là căng thẳng.

KIẾN HÒA (Theo AP, AFP, Nytimes)

KIẾN HÒA (Theo AP, AFP, Nytimes)

Chia sẻ bài viết