12/04/2025 - 21:29

WHO đạt thỏa thuận “về nguyên tắc” cách ứng phó với đại dịch tương lai 

Sau khoảng 3 năm đàm phán, ngày 12-4, các thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đạt được thỏa thuận “về nguyên tắc” cho một hiệp ước quốc tế về công tác phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trong tương lai.

Phát biểu với báo giới, đồng chủ tịch cơ quan đàm phán liên chính phủ của WHO, đồng thời là Ðại sứ Pháp về y tế toàn cầu, bà Anne-Claire Amprou cho biết đã đạt được một thỏa thuận “về nguyên tắc” song lưu ý thỏa thuận cuối cùng sẽ cần được các quốc gia thành viên phê chuẩn.

Mặc dù chi tiết của thỏa thuận về nguyên tắc chưa được công bố, song việc đạt được đồng thuận bước đầu như vậy được đánh giá sẽ là bước đi quan trọng, giúp tiến tới hoàn tất thỏa thuận ứng phó đại dịch kịp trình lên kỳ họp của Ðại hội đồng Y tế Thế giới dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm nay.

Hiện WHO chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin nói trên. Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, WHO cho biết các cuộc đàm phán về hiệp ước nói trên đã bị tạm hoãn và sẽ được nối lại vào ngày 15-4.

Hồi tháng 2 vừa qua, phát biểu khai mạc vòng đàm phán thứ 13 tại trụ sở chính của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nhấn mạnh “bây giờ hoặc không bao giờ” để đạt được thỏa thuận toàn cầu mang tính bước ngoặt về việc ứng phó với các đại dịch trong tương lai, bất chấp việc Mỹ rút khỏi các cuộc đàm phán. Tổng Giám đốc WHO lưu ý rằng đại dịch tiếp theo chỉ là vấn đề thời gian, đồng thời nhắc nhở những dịch bệnh như Ebola, Marburg, sởi, đậu mùa khỉ (mpox), cúm và mối đe dọa của “bệnh X” (loại virus tiềm ẩn tương tự như dịch bệnh COVID-19).

Các cuộc đàm phán được khởi động từ tháng 12-2021 khi 194 quốc gia thành viên của WHO nhất trí khởi động quá trình đàm phán về một thỏa thuận mới nhằm tăng cường phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trong tương lai. Ðến tháng 2-2022, cuộc họp đầu tiên của cơ quan đàm phán liên chính phủ được tổ chức. Trong quá trình đàm phán kéo dài khoảng 3 năm qua, mặc dù phần lớn văn bản dự thảo đã được nhất trí, nhưng vẫn còn bất đồng về một số điều khoản chính, như chia sẻ công bằng vaccine, phương pháp xét nghiệm và phương pháp điều trị. Thêm vào đó, Mỹ đã không tham gia các cuộc đàm phán trong năm nay sau khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 1 vừa qua ký sắc lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi WHO.

HÀ NGỌC (TTXVN)

Chia sẻ bài viết