23/10/2012 - 22:15

Đọc “Lối đi ngay dưới chân mình”

Vượt qua những trắc trở để vào đời

Nguyễn Lê My Hoàn - nhà văn thế hệ 7X từng đoạt giải nhì trong cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ I và cũng là gương mặt quen thuộc của mục truyện ngắn trên báo Hoa học trò, Mực tím, Tiền Phong. Phong cách sáng tác của My Hoàn thường tươi trẻ, dạt dào tình cảm và tràn ngập tin yêu. "Lối đi ngay dưới chân mình" của Nguyễn Lê My Hoàn đi vào lòng độc giả cũng bằng văn phong như vậy…

Truyện dài do NXB Trẻ phát hành quý IV năm 2012.

 

Trong lời đề từ của sách, nhà văn Nguyễn Khải viết: "… được đọc những trang viết về một cô gái có nghị lực, thích hành động để lựa chọn, hành động để tự khẳng định, hành động với mục tiêu rõ ràng, thú thật tôi vẫn thích hơn. Vả lại viết cũng hay nữa, câu chữ rất tươi, rất trẻ. Và đoạn kết thật khoan khoái".

Mở đầu truyện là cảnh chen chúc, ồn ào trên đường phố Sài Gòn. Một cô bé nhỏ nhắn cưỡi chiếc Tact lùn "sơn màu đỏ chói như xe cứu hỏa" đang toát mồ hôi len lách qua dòng xe cộ đông đúc. Cô bé đó là Hòa Bình- "nhà quê lên phố". Sinh ra trong một gia đình lam lũ ở một làng quê nghèo, tốt nghiệp đại học, Hòa Bình lên Sài Gòn làm nhân viên tiếp thị cho một công ty bán máy photocopy. Rồi, nhờ có khiếu viết lách mà Hòa Bình trở thành cộng tác viên thường xuyên cho một tờ báo dành cho tuổi học trò. Sự nỗ lực không ngừng đã mang đến cho Hòa Bình một cuộc sống ổn định nơi đất khách…

Ấn tượng đầu tiên trong "Lối đi ngay dưới chân mình" có lẽ là lời giới thiệu về bản thân và làng quê của Hòa Bình: "Tôi cũng đã từng là dân nhà quê. Cái làng quê của tôi, nó nghèo thật là nghèo, nó lam lũ thật là lam lũ, vậy mà chẳng hiểu sao tôi lại yêu nó vô cùng…" (trang 26). Giữa nhịp sống sôi nổi, ồn ã của chốn thị thành, những mảnh ký ức về quê nhà của Hòa Bình nhẹ nhàng ùa đến thật êm đềm… Độc giả cảm nhận được sự mộc mạc, thân thương từ món bánh đúc của bà Lam hàng xóm "trôi vào cổ cứ mát lừ đi, một thứ mát dịu dàng có mùi thơm ngan ngát của đồng quê" (trang 26) và nỗi vất vả của Hòa Bình trong những ngày cô bé cùng với mẹ ì ạch trên chiếc xe đạp cọc cạch đi hốt trấu bỏ mối cho mấy lò nấu đường, bị trấu và bụi cám xộc vào mặt làm ngứa ngáy, hắt xì hơi loạn xạ…

Trải nghiệm nhọc nhằn và chứng kiến sự lam lũ của cha mẹ ở quê giúp cho Hòa Bình vào đời cứng cáp hơn. Cũng như các bạn trẻ khác, ban đầu Hòa Bình loay hoay với câu hỏi: Liệu mình có thành công với con đường đã chọn? - khi cô bé bị mất việc, rồi gặp khó với công việc dịch bài cho một tờ báo... Tuy nhiên, là một cô bé năng động, tự tin Hòa Bình dường như "mới mẻ", vững chải lên từng ngày khi biết tự chiêm nghiệm sau những va chạm cay đắng từ công việc, từ các mối quan hệ bạn bè… Đồng thời, Hòa Bình cũng biết mở lòng trước những khó khăn của người khác: chăm sóc cha của cô Minh - chủ nhà trọ - khi cô nhập viện, cùng chị gái đi tìm đứa em chồng tật nguyền…

Tác giả My Hoàn không chọn những khía cạnh gai góc, dữ dội của cuộc đời. Câu chuyện phản ánh những khó khăn trong quá trình bươn chải của bạn trẻ ở mức độ khá nhẹ nhàng, có vất vả, có gian nan nhưng không đến nỗi bi kịch… đã mang lại cho người đọc cảm giác nhẹ nhõm, tin yêu về tương lai.

"Người ta kể, những con trai có ngọc là nhờ vào những hạt cát lọt vào trong kẽ mắt của trai. Đau nước mắt ứa ra, bọc tròn lấy hạt cát. Ngày lại ngày, nước mắt cô thành ngọc. Những con trai có ngọc- khởi đầu từ một vết đau" (trang 58). Không có sự thành công nào đến thật dễ dàng. Đi qua những chặng đường trắc trở mới cảm nhận được sự thành công của mình thật xứng đáng. Đó là những thông điệp mà "Lối đi ngay dưới chân mình" gởi gắm cho bạn đọc khi khép lại trang sách cuối cùng.

Thảo Yên

Chia sẻ bài viết