21/12/2011 - 15:04

Vụ án mới của Chánh án Chaudhry

Ảnh: Nation

Tổng thống Asif Ali Zardari đã trở về Pakistan hôm 19-12, sau 2 tuần đi kiểm tra sức khỏe tại một bệnh viện ở Dubai của Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE). Nhật báo Phố Wall của Mỹ hôm qua bình luận rằng sự trở về của Zardari coi như đã “xua tan” những tin đồn đảo chính quân sự ở Pakistan, dù vẫn còn đó những suy đoán về tương lai chính trị của ông và những căng thẳng đang gia tăng giữa chính quyền dân sự của ông với giới quân sự hùng mạnh của quốc gia Nam Á này.

Hãng tin Pháp AFP cho biết một tiểu ban gồm 9 thẩm phán do Chánh án Tòa án Tối cao Pakistan Muhammad Iftikhar Chaudhry (ảnh) đứng đầu đang xem xét mở cuộc điều tra chính thức về bức mật thư cầu cứu Mỹ có liên quan đến Tổng thống Zardari và quyết định cuối cùng về vấn đề này sẽ được ông Chaudhry công bố sau phiên điều trần ngày 22-12. Tiểu ban này được triệu tập sau khi nhận đơn yêu cầu của thủ lĩnh phe đối lập Nawaz Sharif và một số tướng lĩnh trong quân đội Pakistan, trong đó có Tham mưu trưởng quân đội Pakistan Ashfaq Parvez Kayani và Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Pakistan (ISI) Shujaa Pasha.

Chuyện bắt đầu từ bức mật thư không đề tên tác giả đăng trên tờ Financial Times của Mỹ ngày 10-10 với nội dung đề nghị bổ nhiệm phe thân Mỹ vào cơ quan an ninh quốc gia Pakistan để đổi lấy sự giúp đỡ từ Washington. Tác giả bức thư còn cáo buộc Tướng Kayani âm mưu lật đổ chính quyền sau vụ Mỹ tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden và đề nghị Tư lệnh Mỹ Mike Mullen “trực tiếp can thiệp” để ngăn chặn vụ việc. Mới đây, Mansoor Ijaz - một doanh nhân Mỹ gốc Pakistan - tố giác Đại sứ Haqqani đã tiết lộ chính ông là người soạn bức thư trên với sự ủng hộ từ Tổng thống Pakistan Zardari. Tổng thống Zardari và Đại sứ Haqqani bác bỏ thông tin này. Vụ việc căng thẳng đến độ ông Haqqani phải viết đơn xin từ chức.

Giới quan sát cho rằng lời tố giác trên - nếu được chứng thực - có thể gây ra một “vụ nổ lớn” hủy hoại chính quyền hiện thời. Một số nhân vật tại Pakistan thậm chí yêu cầu xử tội phản quốc đối với các nhân vật liên quan đến bức thư. Bức thư còn làm dấy lên những cáo buộc rằng chính quyền đương nhiệm thông đồng với Mỹ chống lại lợi ích của đất nước và của quân đội.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nghi ngờ về mức độ đáng tin của Ijaz, cho rằng không loại trừ khả năng đây là một âm mưu mà phe quân sự tạo ra để làm bẽ mặt chính quyền của Tổng thống Zardari và hạ bệ những nhân vật thân cận với ông, trong đó có Đại sứ Haqqani. Họ cũng cho rằng, nỗi lo của tác giả bức thư về một vụ đảo chính hồi tháng 5 là “khó hiểu”, vì khi đó phe quân sự đang tụt dốc về quyền lực. Hơn nữa, Ijaz từng nhiều lần khoe khoang về mối quan hệ rộng rãi với giới chính trị Mỹ.

Rõ ràng đây là một vụ án hết sức phức tạp. Theo giới nhà phân tích, nếu Chánh án Chaudhry đồng ý tiến hành điều tra thì cuộc chiến pháp lý sẽ có thể kéo dài và gia tăng căng thẳng chính trị ở Pakistan. Chaudhry từng nổi đình nổi đám năm 2007 trong cuộc đối đầu đòi phế truất người tiền nhiệm của ông Zardari là Tướng Pervez Musharraf. Ông cũng đã thách thức đương kim Tổng thống Zardari khi năm ngoái ra phán quyết phục hồi hồ sơ điều tra tham nhũng chống ông Zardari và 8.000 quan chức khác. John McCreary, chuyên gia phân tích của Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ, cho rằng “quân đội Pakistan đang nỗ lực kéo Tòa án Tối cao Pakistan về phía họ trong cuộc đấu quyền lực chính trị lớn chống Zardari”.

ĐỨC TRUNG
(Theo Bloomberg, WSJ, AFP)

Chia sẻ bài viết