24/10/2020 - 19:51

Virus Corona phủ bóng bầu cử Mỹ? 

Nước Mỹ một lần nữa ghi nhận số ca nhiễm virus Corona đạt mức kỷ lục mới trong bối cảnh cuộc bầu cử ngày 3-11 đang đến gần.

Theo New York Times chiều 24-10, nước Mỹ đã phá vỡ kỷ lục số ca nhiễm mới virus Corona hằng ngày khi ghi nhận thêm hơn 85.000  trường hợp hôm 23-10. Những bang có số ca nhiễm mới tăng cao là những nơi được coi là chiến địa của cuộc bầu cử như Ohio, Michigan, North Carolina, Pennsylvania và Wilconsin. Trước đó 1 ngày, toàn nước Mỹ đã có 76.195 ca nhiễm mới, đạt gần mức kỷ lục cũ là 77.299 ca được ghi nhận ngày 16-7. Trong tuần lễ trước đó nữa, trung bình mỗi ngày có khoảng 60.000 ca nhiễm mới, mức cao nhất tính theo tuần kể từ đầu tháng 8. Hồi tháng 7, số bệnh nhân phải nhập viện để điều trị COVID-19 là 47.000 người/ngày với số người chết trung bình là 1.200 ca/ngày. Hiện nay, số ca phải nhập viện là hơn 41.000 người/ngày và số người tử vong do COVID-19 trung bình là gần 800 ca/ngày.

Ðến nay, Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19: 8,5 triệu ca nhiễm và 224.000 người chết.

 Số ca nhiễm mới virus Corona trong những ngày qua được coi là làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 3 tại Mỹ, sau đợt cao điểm đầu tiên trong hai tháng 3 và 4, cùng đợt thứ 2 trong mùa hè. Làn sóng dịch bệnh thứ 3 được dự báo sẽ bùng phát dữ dội hơn do thời tiết lạnh và người dân thì đã chán ngấy việc giãn cách xã hội, nhất là trong bối cảnh cử tri Mỹ tập trung đông người hơn tại các cuộc vận động tranh cử nước rút.

 Tuy nhiên, có thể do nhận thấy mức độ nguy hiểm của virus Corona nên cử tri Mỹ đã thực hiện sớm quyền công dân của mình ngày càng đông. Theo Dự án Bầu cử Mỹ (USEP)  do giáo sư Michael McDonald tại Ðại học Florida quản lý, tính đến sáng 24-10 đã có hơn 51 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu cả trực tiếp và qua bưu điện. Trong đó, số người bỏ phiếu qua thư chiếm tỷ lệ đông đảo với khoảng 35 triệu người. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và vợ là bà Karen Pence đã bỏ phiếu sớm tại một hòm phiếu ở thành phố Indianapolis thuộc tiểu bang “quê nhà” Indiana hôm 23-10.  Như vậy, số cử tri bỏ phiếu sớm năm 2020 đã vượt qua tổng số cử tri bỏ phiếu sớm năm 2019 (hơn ít nhất 4 triệu phiếu), dù vẫn còn 11 ngày nữa mới tới ngày bỏ phiếu chính. Số người đi bỏ phiếu sớm dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những ngày tới trước mối lo ngại dịch bệnh COVID-19 sẽ bùng phát mạnh mẽ. Giáo sư McDonald dự báo số cử tri Mỹ đi bỏ phiếu năm nay có thể chiếm khoảng 65%, tức khoảng 150 triệu cử tri. Năm 2016, số cử tri đi bỏ phiếu đạt khoảng 60%, tức khoảng 137 triệu người. Ðặc biệt, số cử tri bỏ phiếu qua thư năm nay dự báo tăng gấp đôi so với tỷ lệ 20% trong cuộc bầu cử cách đây 4 năm.

Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm hôm 23-10. Ảnh: chicago tribune

Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm hôm 23-10. Ảnh: chicago tribune

Ðại dịch COVID-19 chắc chắn có tác động tâm lý đối với cử tri Mỹ tham gia bỏ phiếu năm nay. Các cuộc thăm dò dư luận ngay sau buổi tranh luận trực tiếp lần thứ 2 và cũng là lần cuối cùng giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden tối 22-10 đã cho thấy rõ điều đó. Có đến 57% số người được hỏi tin rằng ông Biden sẽ xử lý dịch bệnh tốt hơn, trong khi chỉ có 41% ủng hộ ông Trump. Chuyên gia phân tích về an ninh quốc gia Peter Bergen thuộc Ðại học Arizona cho rằng Tổng thống Trump đã không giành được sự ủng hộ của cử tri trong luận điểm của mình về cách thức ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Hơn 224.000 ca tử vong và hơn 8,5 triệu người nhiễm COVID-19, cũng như hơn 10 triệu người mất việc làm trong cuộc khủng hoảng này, đã làm mất đi sức thuyết phục của những tuyên bố do ông Trump đưa ra về cách thức đối phó với COVID-19. Phản ứng thụ động của ông Trump đối với dịch COVID-19 được thể hiện một cách trực quan thông qua việc ông không đeo khẩu trang khi chụp ảnh chung với Ðệ nhất phu nhân Melania Trump, trong khi ông Biden đã nhanh chóng đeo khẩu trang để chụp ảnh chung với phu nhân Jill Biden khi kết thúc tranh luận. Ðiều này cho thấy sự khác biệt giữa 2 ứng cử viên trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Trên lĩnh vực biến đổi khí hậu và bất bình đẳng sắc tộc, ông Biden cũng lần lượt bỏ xa ông Trump về sự ủng hộ của cử tri, cụ thể là 67% và 62% so với 29% và 35%. Chỉ có quan điểm  kinh tế  của ông Trump  vượt xa ông Biden với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 56% và 44%.

 Bà Jessica Anderson, Giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn chính sách Heritage Action, đánh giá rằng những câu trả lời của ông Trump về kinh tế có tính thuyết phục cao hơn so với ông Biden. Sự khác biệt giữa họ là quan điểm về mở cửa nền kinh tế. Tổng thống Trump đề cập đến việc phát triển kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, trong khi ông Biden không loại trừ sẽ đóng cửa nền kinh tế khi các ca nhiễm tăng vọt. Ông Biden đã không đưa ra câu trả lời thuyết phục khi được hỏi tại sao ông không thực hiện các mục tiêu của mình trong gần một nửa thế kỷ phục vụ tại nhiều vị trí trong chính quyền và quốc hội Mỹ. Ông cũng đổ lỗi cho đảng Cộng hòa khi được hỏi về lý do tại sao ông không ban hành cải cách tư pháp hình sự trong khoảng thời gian đó. Ông Biden nói: “Chúng ta đã có một Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát. Ðó là câu trả lời của bạn”. Trong khi đó, Tổng thống Trump đã đưa ra thông điệp một cách điềm tĩnh và rõ ràng. Các cử tri dao động có thể sẽ ủng hộ thông điệp của ông Trump về một xã hội mở, kinh tế và tư pháp hình sự. Do đó, nhìn chung, Tổng thống Trump đã có màn tranh luận thuyết phục và giữ vững nền tảng chính trị của mình.

Nỗi lo về virus Corona rõ ràng có thể phủ bóng cuộc bầu cử Mỹ nhưng ứng viên tổng thống nào thực sự thuyết phục cử tri là câu hỏi khó đoán định.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết