10/04/2022 - 08:19

Vì sao Trung Quốc không “giải cứu” Sri Lanka? 

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Tờ Hindustan Times của Ấn Ðộ mới đây cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế hiện nay tại Sri Lanka một phần bắt nguồn từ món nợ khổng lồ mà họ đã vay của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể chưa vội ra tay “giải cứu” vì có lý do và toan tính riêng.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa (trái) và anh trai - Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, người từng là tổng thống nước này. Ảnh: thehindu

Vấn đề lớn nhất mà Sri Lanka đang đối mặt là món nợ nước ngoài quá lớn, trong đó chỉ tính riêng khoản nợ Trung Quốc là hơn 8 tỉ USD. Theo báo cáo của Quỹ châu Âu nghiên cứu Nam Á (EFSAS), Sri Lanka trong những năm qua đã dốc hầu bao cho các dự án xây dựng với các khoản vay từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các dự án này không tạo ra nguồn thu, trong khi dự trữ ngoại hối của đảo quốc giảm từ 6,9 tỉ USD năm 2018 xuống còn 2,2 tỉ USD năm nay. Số nợ  mà nước này phải trả trong năm 2022 là 4 tỉ USD, bao gồm 1 tỉ USD trái phiếu quốc tế. Tổng số nợ nước ngoài cùa Sri Lanka hiện nay lên đến khoảng 45 tỉ USD và tổng nợ quốc gia chiếm đến 105% GDP trị giá 81 tỉ USD.

Trước tình cảnh bạo lực do thiếu thốn lương thực, nhiên liệu và giá cả tăng cao, chính quyền Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và anh trai - Thủ tướng Mahinda Rajapaksa đã cầu cứu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng các nước như Trung Quốc và Ấn Ðộ. Quá trình đàm phán với IMF sẽ kéo dài, còn Ấn Ðộ đã đáp lời với 2 gói tín dụng, gồm khoản vay mua lương thực và thuốc men trị giá 1,5 tỉ USD cùng gói nhiên liệu trị giá 912 triệu USD. Một công ty Ấn Ðộ bước đầu đã cung cấp 6.000 tấn dầu diesel và 40.000 tấn gạo cho Sri Lanka. Trung Quốc cũng tuyên bố đang xem xét khoản cho vay bổ sung 1 tỉ USD và khoản tín dụng mới 1,5 tỉ USD, đồng thời viện trợ khẩn cấp 2.000 tấn gạo.

Các nhà phân tích cho rằng 2 gói hỗ trợ của Ấn Ðộ phần nào giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực và nhiên liệu của người dân Sri Lanka. Tuy nhiên, điều này chỉ làm cho cuộc khủng hoảng chính trị thêm kéo dài chứ không thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Mong muốn của Colombo là cơ cấu lại khối nợ đầu tư kết cấu hạ tầng quá lớn nhưng đã bị Bắc Kinh từ chối. EFSAS vì thế cho rằng Trung Quốc đang làm ngơ sau khi đẩy Sri Lanka vào “ngoại giao bẫy nợ”.

Chính quyền Sri Lanka dưới trào tổng thống trước đây là ông Maithripala Sirisena đã phải cho doanh nghiệp Trung Quốc thuê cảng miền Nam Hambantota năm 2017 trong thời hạn 99 năm nhằm cấn trừ một khoản vay đáo hạn. Và hiện tại, một công ty Trung Quốc đang đầu tư 1,4 tỉ USD vào dự án xây dựng thành phố cảng Colombo. Mục tiêu của chính quyền Sri Lanka là muốn biến thành phố cảng này thành trung tâm tài chính quốc tế như Singapore, Dubai hay Hong Kong. Dự án này có tổng diện tích xây dựng 630 héc-ta, trong đó công ty Trung Quốc được giao 269 héc-ta, mà 43% trong số đó được thuê trong vòng 99 năm. Phía Trung Quốc có lẽ muốn được giao đất nhiều hơn, nhưng người dân Sri Lanka mới đây biểu tình đòi chính phủ phải tìm kiếm nguồn đầu tư từ Ấn Ðộ vào dự án trên.

Với Pakistan, giới phân tích cho rằng Trung Quốc không thể “giải cứu” Thủ tướng Imran Khan giữa “bão” khủng hoảng chính trị và kinh tế bởi điều này sẽ làm “phật lòng” quân đội Pakistan, lực lượng được cho nắm quyền chi phối đất nước. Bắc Kinh coi quân đội Pakistan là “trụ cột” trong các mối quan hệ. Ðể tránh bị phế truất, Thủ tướng Khan hôm 3-4 đã kêu gọi giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm.

Chia sẻ bài viết