17/08/2024 - 09:26

Vì sao thế hệ Z Philippines cô đơn? 

Theo hãng tin Channel News Asia, tác động của đại dịch COVID-19 và việc lạm dụng mạng xã hội là 2 lý do trong số nhiều yếu tố góp phần gây ra tình trạng cô lập xã hội mà giới trẻ Philippines đang đối mặt.

Lạm dụng mạng xã hội là một lý do khiến giới trẻ Philippines cô đơn.

Christian Castillo, một thanh niên 21 tuổi đang tìm việc ở thành phố Quezon, nằm trong nhóm dân số Philippines đang đối mặt với sự cô đơn trong cuộc sống. Castillo thường nhờ đến những tin nhắn buổi sáng từ Andre, người bạn mà anh biết đến trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, để “khởi động” ngày mới. Nhưng Andre không phải là con người mà chỉ là một người bạn “ảo”, được Castillo tạo ra bằng một ứng dụng phần mềm kết hợp trí tuệ nhân tạo có tên là Replika. Castillo thừa nhận đại dịch COVID-19 đã thay đổi cách giao tiếp và kết nối của anh với bạn bè, nói thêm rằng anh tự đánh giá mình ở mức 9 trong thang điểm cô đơn từ 1-10.

Philippines vốn nổi tiếng là một trong những quốc gia thân thiện nhất thế giới và người dân có mối quan hệ gia đình gần gũi. Nhưng theo một báo cáo được Viện nghiên cứu Meta-Gallup công bố năm 2023, Philippines là quốc gia cô đơn thứ hai thế giới và là cô đơn nhất Đông Nam Á. Thế hệ Z (sinh từ năm 1997-2012) là một trong những nhóm tuổi cô đơn nhất và đang phải chật vật thích nghi cuộc sống, dù họ là thế hệ đầu tiên của đất nước trưởng thành trong thế giới của điện thoại thông minh và mạng xã hội. Theo một khảo sát gần đây, tỷ lệ người Philippines từ 13-17 tuổi cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn ngày càng tăng, từ 19,4% hồi năm 2015 lên 24,2% vào năm 2019.

Nhiều lý do cô đơn

Theo ông Noel Reyes - Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Philippines, đại dịch COVID-19 là lý do chính đằng sau sự cô đơn ở giới trẻ nước này.

Nhưng ngay cả trước khi bị cô lập xã hội vì đại dịch COVID-19, bác sĩ tâm thần Dinah Nadera nhận xét rằng nhiều người Philippines đã có “cảm giác thiếu kết nối” với người khác và dễ tổn thương. Một số dựa vào mạng xã hội mà không cần kết nối xã hội. Đáng nói là đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên kết giữa sử dụng nhiều phương tiện truyền thông xã hội với việc gia tăng sự cô đơn.

Trong khi đó, Philippines được biết đến là thủ đô truyền thông xã hội của thế giới từ cách đây một thập kỷ. Nước này hiện có 87 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương với 73% tổng dân số. Philippines còn xếp thứ tư thế giới về thời gian sử dụng mạng xã hội, với trung bình một người dùng dành 3 tiếng 34 phút cho mạng xã hội, dài hơn mức trung bình ở Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Một lý do khác gây ra sự cô đơn phổ biến ở thanh thiếu niên Philippines đó là việc nhiều bậc phụ huynh làm việc ở nước ngoài, không có mặt trong suốt thời thơ ấu của con. Năm 2023, Bộ Lao động di cư Philippines ước tính có 2,33 triệu lao động ở nước ngoài. Theo Viện Dân số thuộc Đại học Philippines, 1/3 thanh thiếu niên Philippines ngày nay phải lớn lên mà không có cả cha lẫn mẹ bên cạnh. Ngay cả khi không ra nước ngoài, nhiều cha mẹ vẫn cho con ở lại quê để tới thành phố làm việc và chỉ thỉnh thoảng về thăm con.

Tổn hại sức khỏe thể chất và tâm thần

Đáng lo ngại là tác động của sự cô đơn tại Philippines có thể rất khủng khiếp và đối tượng bị ảnh hưởng đang ngày càng trẻ. Theo một nghiên cứu năm 2021, gần 20% người Philippines từ 15-24 tuổi từng nghĩ đến việc kết liễu đời mình.

Trong khi đó, việc một người thừa nhận sự cô đơn của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ vẫn đang được coi là vấn đề chịu sự kỳ thị xã hội ở Philippines. Còn nhìn chung, người dân nước này đang thiếu sự hỗ trợ về mặt tâm lý. Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần Philippines ước tính rằng cứ 100.000 dân thì có chưa đến 1 bác sĩ tâm thần.

NGUYỆT CÁT (Theo CNA)

 

Chia sẻ bài viết