26/06/2008 - 07:49

Vì sao Nigeria bất ổn ?

Giàn khoan dầu Bonga ở Nigeria.

Sau hai vụ tấn công liên tiếp nhằm vào giàn khoan dầu ngoài khơi ở Bonga do tập đoàn Shell (Hà Lan) khai thác và đường ống dẫn dầu do công ty Chevron của Mỹ kiểm soát, Phong trào vì sự giải phóng Đồng bằng Niger (MEND) tuyên bố đơn phương ngừng bắn, bắt đầu từ ngày 24-6 theo yêu cầu của các tộc trưởng. Trong khi đó, chính phủ Nigeria chỉ định ông Ibrahim Gambari, quan chức ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Quốc tại châu Phi và là cựu trưởng phái đoàn Nigeria tại LHQ, làm người điều phối một hội nghị hòa bình tại khu vực Đồng bằng Niger giàu dầu mỏ, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 7 tới. Ông Gambari kêu gọi các tay súng MEND duy trì lệnh ngừng bắn ít nhất trong vòng 90 ngày để giúp hội nghị diễn ra êm đẹp.

Tuy nhiên, MEND không cho biết lệnh ngừng bắn của họ sẽ kéo dài bao lâu, đồng thời cũng chưa khẳng định có tham gia hội nghị, được xem như “cơ hội hòa bình và đối thoại mới” giữa 9 tỉnh khu vực Đồng bằng Niger với chính phủ, hay không. Vì thế, theo lệnh của Tổng thống Umaru Yar’ Adua, hải quân Nigeria vừa điều hai tàu khu trục tuần tra loại nhỏ tới gần mỏ dầu Bonga. Các nhà phân tích cho rằng động thái này chỉ có tác dụng đe dọa chứ không thể giúp ngăn chặn hiệu quả hoạt động phá hoại của các tay súng MEND vốn thường sử dụng tàu cao tốc cơ động khi tấn công các cơ sở dầu mỏ ngoài khơi.

Theo số liệu của chính phủ Nigeria, các cuộc tấn công phá hoại trong nhiều năm qua của MEND khiến nước này mỗi ngày mất 84 triệu USD, tức khoảng 2,52 tỉ USD/tháng hoặc hơn 30 tỉ USD/năm. Các công ty dầu mỏ cho biết sản lượng dầu hàng ngày bị gián đoạn do các cuộc tấn công phá hoại gây ra tại Nigeria vào khoảng 944.000 thùng, tức chiếm hơn 30% tổng công suất khai thác của quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 8 thế giới này.

Biện hộ cho hành động phá hoại của mình, MEND nói rằng họ lo lắng cho sự an toàn của dân nghèo vô tội trước tình trạng ô nhiễm môi trường do các hoạt động khai thác dầu gây ra. MEND cũng cáo buộc các tập đoàn dầu khí nước ngoài mỗi năm bỏ túi hàng tỉ USD trong khi phần lớn người dân khu vực Đồng bằng Niger chủ yếu sống lam lũ bằng nghề biển lại thiếu thốn trường học, bệnh viện và các dịch vụ xã hội khác. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), phần lớn nguồn thu nhập từ dầu mỏ tại Nigeria giúp làm giàu chỉ 1% dân số, trong khi phần còn lại sống dưới 1 USD/ngày. Quốc gia Tây Phi có trữ lượng dầu lớn nhất lục địa đen này hiện vẫn là một trong những nước nghèo nhất hành tinh. Hiến pháp Nigeria quy định nguồn thu nhập từ dầu mỏ được phân bổ cho chính quyền liên bang với tỷ lệ gần 50%, phần còn lại chia cho các công ty thăm dò, khai thác và chính quyền địa phương. Người ta ước tính kể từ khi giành được độc lập năm 1960 đến nay, khoảng 300-400 tỉ USD thu nhập từ dầu đã bị giới cầm quyền biển thủ và tiêu xài hoang phí, tức gần tương đương với tổng số tiền viện trợ nhân đạo mà phương Tây dành cho tất cả các nước châu Phi trong cùng giai đoạn đó.

Tổng thống Yar’ Adua lên nắm quyền hồi năm ngoái cam kết đấu tranh chống tham nhũng và đưa ra kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình cho khu vực Đồng bằng Niger. Tuy nhiên, ông Yar’Adua kiên quyết không trả tự do cho Mujahid Dokubu-Asari, một trong những thủ lĩnh chủ chốt của MEND vì tội “phản quốc” (muốn lật đổ chế độ cầm quyền hiện nay). Do vậy, hội nghị hòa bình sắp tới khó mang lại kết quả khi yêu sách của nhóm vũ trang này chưa được đáp ứng, và nhất là khi vẫn còn tình trạng bất công trong thụ hưởng nguồn lợi từ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh giá vàng đen đang leo thang như hiện nay.

PHÚC NGUYÊN

(Tổng hợp từ AFP, AP, All Africa, Reuters, The Observer)

Chia sẻ bài viết