22/02/2020 - 17:17

Vì sao Nhật vẫn phụ thuộc vào than đá? 

Nhật Bản đang tiếp tục đầu tư vào than đá, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng, buộc hầu hết các cường quốc kinh tế phải cắt giảm nguồn năng lượng gây ô nhiễm này.

Khó đạt mục tiêu giảm CO2

Sự tăng cường đầu tư vào năng lượng than đá của Nhật Bản thể hiện rõ khi Tokyo hồi năm 2018 đề xuất xây dựng thêm 36 nhà máy nhiệt điện than mới. Hồi đầu tháng này, Thời báo New York cho biết Nhật Bản đã điều chỉnh lại kế hoạch trên nhưng vẫn quyết xây tổng cộng 22 nhà máy nhiệt điện than mới  trong vòng 5 năm tới. Khoảng 15 trong số các nhà máy này đang được tiến hành xây dựng. Giới chuyên gia cho rằng nếu 22 nhà máy mới đi vào hoạt động, Nhật Bản sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước nhưng đồng thời sẽ thải ra thêm 74,7 triệu tấn CO2 mỗi năm, nhiều hơn tổng lượng phát thải của các quốc gia như Na Uy, Thụy Điển. Với các dự án mới, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 5 thế giới này là nước duy nhất trong nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) xây dựng thêm nhà máy điện than nội địa và là nhà cung cấp tài chính lớn nhất của G7 cho thế hệ điện than ở các nước khác.

Các nhà hoạt động Philippines phản đối Nhật Bản hỗ trợ tài chính xây các nhà máy nhiệt điện than. Ảnh: VOX

Theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Nhật Bản cam kết cắt giảm 26% lượng khí thải đến năm 2030 so với mức phát thải năm 2013. Năm ngoái, nội các Nhật Bản cũng thông qua chiến lược làm giảm lượng khí thải nhằm giúp nước này đạt mục tiêu carbon trung tính sau năm 2050. Song, nếu tất cả 22 nhà máy nói trên đi vào hoạt động, Nhật Bản khó lòng đạt được mục tiêu đặt ra. Ngoài ra, nó cũng làm “bẽ mặt” các nhà tổ chức Thế vận hội Olympic 2020 ở Tokyo, vốn từng tuyên bố sẽ “xây dựng nền tảng phi carbon hóa” với nguồn năng lượng tái tạo, phương tiện vận hành bằng hydro và áp dụng các chương trình bù đắp carbon.

Những lý do chính

Phát huy quyền lực mềm

Hiện năng lượng than đá là trụ cột trong chiến lược xuất khẩu của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản còn sử dụng các nhà máy nhiệt điện than như là phương tiện phát huy sức mạnh mềm, trong bối cảnh Trung Quốc sử dụng chiến lược hỗ trợ tài chính xây dựng các nhà máy nhiệt điện than như là yếu tố chính trong sáng kiến Vành đai, Con đường để mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị trên khắp châu Á và châu Phi. Thông qua các tổ chức chính phủ như Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Tokyo đã tài trợ xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới ở một số quốc gia như Indonesia, Bangladesh.

Vì sao Nhật Bản lại cần thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than? Là đảo quốc nghèo năng lượng, Nhật Bản phải nhập khẩu hơn 90% năng lượng. Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu và có nhiều ngành công nghiệp nặng vốn tiêu tốn nhiều năng lượng. Bộ Kinh tế và Công thương Nhật Bản từ lâu phàn nàn rằng nước này phải trả chi phí năng lượng cao nhất thế giới và điều này ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp. Cho nên, dù bày tỏ lo ngại vấn đề biến đổi khí hậu tác động đến Nhật Bản và thế giới, nhưng chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe vẫn phải tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó trực tiếp can thiệp vào các lĩnh vực như năng lượng. Phát triển năng lượng than đá là giải pháp làm giảm chi phí điện năng. Nhật Bản là nhà nhập khẩu than đá lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Trung Quốc. Khoảng 2/3 số than đá nhập khẩu của Nhật Bản đến từ Úc.

Đặc biệt, năm 2011, trận động đất mạnh 9 độ Richter  khiến các lò phản ứng  tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi phải ngừng hoạt động. Do thảm họa, toàn bộ hệ thống điện hạt nhân của Nhật Bản, vốn cung cấp 1/3 nguồn điện năng của xứ Mặt trời mọc, đã được cho tạm ngưng hoạt động để kiểm tra tính an toàn và nâng cấp.

9 năm sau, tác động của trận động đất tiếp tục đeo bám Nhật Bản. Tokyo đã hoặc đang cho ngừng hoạt động 24 lò phản ứng hạt nhân, chiếm 40% tổng số lò phản ứng hạt nhân của nước này. Kết quả là, tỷ lệ sản xuất điện hạt nhân của Nhật Bản hiện giảm xuống chỉ còn 3%, buộc nước này phải dùng đến nhiên liệu hóa thạch, trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo của Nhật Bản gồm năng lượng Mặt trời, gió, địa nhiệt và thủy điện chỉ cung cấp 17% điện năng của đất nước.

TRÍ VĂN (Theo VOX)

Chia sẻ bài viết