07/03/2023 - 09:37

Vì sao Hàn Quốc không cung cấp vũ khí cho Ukraine? 

TRÍ VĂN (Tổng hợp) 

Trong bối cảnh các nhà cung cấp vũ khí truyền thống như Mỹ phải đối mặt với tình trạng thiếu khí tài xuất khẩu, Hàn Quốc đã “nhảy vào” để lấp đầy khoảng trống đó nhưng cũng đồng thời không khiêu khích Nga.

Pháo tự hành K9 Thunder của Hàn Quốc hiện được nhiều nước tin dùng. Ảnh: AFP

Pháo tự hành K9 Thunder của Hàn Quốc hiện được nhiều nước tin dùng. Ảnh: AFP

Một năm sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, cuộc chiến đã thúc đẩy nỗ lực sản xuất thêm tên lửa, xe tăng, đạn pháo cũng như các loại vũ khí khác trên toàn cầu. Song, rất ít quốc gia tận dụng cơ hội đó để tăng sản lượng xuất khẩu vũ khí như Hàn Quốc. Theo tờ Thời báo New York (NYT), xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc trong năm ngoái tăng 140%, đạt mức kỷ lục 17,3 tỉ USD, gồm các hợp đồng trị giá 12,4 tỉ USD bán xe tăng, lựu pháo, chiến đấu cơ và nhều bệ phóng tên lửa cho Ba Lan, một trong những đồng minh thân cận nhất của Ukraine. Các đơn đặt hàng mua vũ khí từ Ba Lan được xem là một lợi thế đối với chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol, người từng tuyên bố sẽ đưa Hàn Quốc trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới vào năm 2027, sau Mỹ, Nga và Pháp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Hàn Quốc mở rộng doanh số bán vũ khí trên toàn cầu, Seoul lại từ chối gửi vũ khí sát thương cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 2-3 tuyên bố với giới truyền thông rằng lập trường của nước này về việc không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine là nhất quán và sẽ không bao giờ thay đổi. “Chính sách của Chính phủ Hàn Quốc về việc không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine vẫn không thay đổi. Chúng tôi đang tích cực thúc đẩy hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine, gồm hỗ trợ khôi phục đất nước” - một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.

Xứ kim chi thay vào đó tập trung vào việc lấp đầy khoảng trống tái vũ trang của thế giới, đồng thời áp đặt các quy tắc kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt đối với các mặt hàng vũ khí xuất khẩu của nước này. Theo giới phân tích, sự cảnh giác của Hàn Quốc một phần xuất phát từ việc nước này ngại khiêu khích Nga, quốc gia mà Seoul hy vọng hợp tác trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt với đối với Triều Tiên. NYT cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo Hàn Quốc không hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bởi việc làm này sẽ hủy hoại quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Seoul và có thể khiến Nga thắt chặt quan hệ quân sự với Triều Tiên. Cuộc chiến tại Ukraine đã đẩy Bình Nhưỡng xích lại gần Mát-xcơ-va hơn. Triều Tiên cũng lên tiếng ủng hộ Nga và bị Mỹ cáo buộc vận chuyển đạn pháo, tên lửa và các loại vũ khí khác đến Nga.

Thực tế, dù vẫn kiên quyết giữ vững lập trường, cố gắng cân bằng giữa liên minh kiên định với Washington với lợi ích kinh tế và quốc gia của mình, một số công nghệ vũ khí của Hàn Quốc cũng được đưa đến Ukraine. Chẳng hạn, pháo Krab của Ba Lan được gửi đến Ukraine sử dụng khung gầm từ pháo tự hành K9 Thunder (Thần Sấm) của Hàn Quốc. “Vũ khí của Hàn Quốc có thể được đưa đến Ukraine thông qua các nước khác” - Yang Uk, chuyên gia vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, lo ngại.

Hiện Hanwha Aerospace, nhà thầu quốc phòng lớn nhất Hàn Quốc, đang lên kế hoạch tăng gấp 3 lần năng lực sản xuất vào năm tới. Kể từ cuối những năm 1990, Hanwha cung cấp cho quân đội Hàn Quốc gần 1.200 pháo tự hành K9 Thunder cũng như hàng trăm chiếc cho Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Estonia, Phần Lan và Na Uy. Theo các nhà phân tích Hàn Quốc, những chiếc K9 của Hanwha chiếm 55% thị trường xuất khẩu lựu pháo tự hành của thế giới trong giai đoạn 2000-2021. Và giữa lúc chiến sự tại Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt, Hanwha đặt mục tiêu phát triển bền vững trên thị trường toàn cầu với sự hỗ trợ của chính phủ và quân đội Hàn Quốc.

Chia sẻ bài viết