03/02/2024 - 08:30

Vấn nạn sát hại phụ nữ gia tăng ở Kenya 

Việc xảy ra liên tiếp 2 vụ sát hại phụ nữ tại Kenya mới đây đã làm nổi lên một vấn nạn nhức nhối ở quốc gia Ðông Phi này, đó là bạo lực trên cơ sở giới. Các nhà hoạt động đang kêu gọi chính phủ phải tăng cường các biện pháp bảo vệ phụ nữ.

Biểu tình phản đối vấn nạn sát hại phụ nữ ở Nairobi, Kenya.

Starlet Wahu - một phụ nữ 26 tuổi nổi tiếng trên mạng xã hội Instagram - được phát hiện nằm chết trong phòng với một vết đâm trí mạng. Trong thước phim do máy quay an ninh thu được vào tối 3-1, Wahu đi cùng một người đàn ông đến căn hộ cho thuê trong một khu phố trung lưu ở thủ đô Nairobi. Người này rời đi vào sáng hôm sau với trang phục dính máu và có thể bị thương ở chân. Y bị bắt giữ và tình nghi là tội phạm hàng loạt, khi một số phụ nữ đứng ra tố cáo hắn gây ra nhiều vụ hành hung khác trước đó.

Ngày 14-1, Rita Waeni - nữ sinh năm thứ tư Đại học Nông nghiệp Nairobi - bị sát hại và phân xác tại một căn hộ nhỏ cũng ở Nairobi. Waeni cùng một người đàn ông đến đây thuê nhà bữa trước, nhưng các nhân chứng cho biết chỉ có người đàn ông rời khỏi nhà và vết máu đã dẫn họ đến chiếc túi đựng thi thể của cô gái 20 tuổi, bị vứt bỏ tại điểm thu gom rác ở khu thương mại trung tâm. Báo chí địa phương đưa tin Waeni có thể đã bị kẻ thủ ác dụ dỗ thông qua Instagram.

Các nhóm nhân quyền cho biết đây chỉ là 2 trong số ít nhất 4 vụ bạo lực trên cơ sở giới được ghi nhận từ đầu năm nay, trong bối cảnh số vụ sát hại và lạm dụng phụ nữ ngày càng tăng ở Kenya. Mới tuần trước, truyền thông nước này đưa tin 2 phụ nữ khác, ở miền Trung và miền Tây Kenya, đã bị giết hại trong cùng một ngày. 

Tuy Chính phủ Kenya không thu thập số liệu về các vụ giết hại phụ nữ, nhưng các nhà hoạt động ở Kenya cho biết số vụ án như vậy đang gia tăng. Trong đa số các trường hợp, những kẻ thủ ác - thường là người yêu hoặc người thân của các nạn nhân - cố ý sát hại phụ nữ hoặc bé gái chỉ vì giới tính của họ.

Theo ghi nhận từ Femicide Count Kenya - tổ chức chuyên giám sát các vụ giết người được báo chí công bố, từ tháng 1 đến tháng 10-2022, có 58 trường hợp tử vong mà họ coi là những vụ sát hại phụ nữ. Năm 2023, tổ chức này ghi nhận ít nhất 152 vụ giết hại phụ nữ, cao nhất trong 5 năm qua. Còn theo ước tính của tờ báo điều tra Africa Uncensored và tổ chức thu thập dữ liệu Africa Data Hub, khoảng 500 phụ nữ Kenya đã bị sát hại kể từ năm 2017 đến nay.

Các trường hợp lạm dụng phụ nữ cũng tăng lên khi đầy rẫy thông tin về các vụ đánh đập, đâm chém và cưỡng bức phụ nữ. Usikimye, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên trợ giúp phụ nữ sống sót sau bạo lực, cho biết họ nhận được hơn 150 cuộc gọi mỗi ngày. Theo một cuộc khảo sát quốc gia năm 2022, khoảng 1/3 phụ nữ ở Kenya - tương đương 9 triệu người - từng bị bạo hành thể xác.

Các biện pháp bảo vệ phụ nữ không hiệu quả

Giống như nhiều quốc gia châu Phi khác, Kenya đã thông qua các hiệp ước về vấn nạn tấn công phụ nữ - bao gồm Công ước của Liên Hiệp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và Hiến chương châu Phi về quyền con người và các dân tộc. Các bộ luật của Kenya - như Đạo luật về tội phạm tình dục - cũng đã hình sự hóa hành vi bạo lực nhằm vào phụ nữ. Ngoài ra, cảnh sát nước này còn có bộ phận chuyên trách về giới tính. Nhưng các nhà hoạt động cho rằng các chính sách của Kenya hầu như không có hiệu quả.

Trong khi đó, nhiều phụ nữ cho biết tư tưởng “phân biệt phụ nữ” đã ăn sâu trong văn hóa Kenya. Theo đó, phụ nữ được xem là “vật sở hữu” và khi sự cố xảy ra, xã hội thường tập trung vào nữ nạn nhân và khiến họ xấu hổ, thay vì chỉ trích thủ phạm là nam giới. Điển hình là mặc dù dư luận rất phẫn nộ về vụ sát hại hai cô gái Wahu và Waeni, song một bộ phận người dân - đặc biệt là nam giới - lại quay sang đổ lỗi cho nạn nhân và chỉ trích họ vì đã gặp gỡ đàn ông ở nơi riêng tư.

Cuối tuần trước, hàng ngàn phụ nữ đã tuần hành tại các thành phố lớn của Kenya, mang theo các biểu ngữ kêu gọi chấm dứt nạn giết hại phụ nữ. 

​NGUYỆT CÁT (Theo Aljazeera, Guardian)

 

Chia sẻ bài viết