30/03/2013 - 10:04

Trung Quốc

Vấn đề môi trường và cuộc chiến nội bộ

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là vụ hơn 16.000 xác heo trôi nổi trên sông Hoàng Phố - nguồn cung cấp nước của thành phố Thượng Hải thời gian gần đây cùng với tình trạng khói bụi dày đặc vẫn tiếp tục bao phủ một số tỉnh khác ở Trung Quốc, lãnh đạo các cơ quan môi trường nước này đã phải công khai thừa nhận vấn đề này. Tuy nhiên, hiện trạng đấu đá nội bộ trong guồng máy còn quan liêu của chính quyền Bắc Kinh lại đang trở thành “chướng ngại” lớn nhất trong công cuộc xây dựng và thiết lập các chính sách cứng rắn về môi trường.

Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc và nội dung phỏng vấn những cá nhân liên quan đến quá trình đàm phán chính sách cũng phản ánh vấn đề lợi nhuận đang khiến các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các công ty dầu và năng lượng “mờ mắt” và tìm mọi cách để “lách luật” ngay cả khi chính phủ có đẩy mạnh thêm nhiều qui định chặt chẽ hơn để hạn chế các chất gây ô nhiễm.

 Hàng ngàn xác heo trôi nổi trên sông Hoàng Phố cùng tình trạng khói bụi ô nhiễm đang nói lên tình hình môi trường hết sức nghiêm trọng ở Trung Quốc. Ảnh: AFP/ New York Times

Chẳng hạn trong vấn đề giao thông công cộng. Mặc dù phần lớn xe tải và xe buýt ở Trung Quốc đều trong tình trạng xuống cấp và ảnh hưởng đến môi trường hơn bất kỳ phương tiện nào khác, nhưng các công ty dầu cứ trì hoãn việc cải tiến nhiên liệu diesel trong nhiều năm qua. Hậu quả là, nồng độ lưu huỳnh từ động cơ diesel ở Trung Quốc cao hơn 23 lần so với tại Mỹ. Ngoài ra, các quan chức Bắc Kinh còn cho biết khí phát thải từ xe hơi “góp” 22% trong khi các nhà máy đốt than ở Bắc Kinh và các tỉnh lân cận “góp” 40% các hạt vật chất (PM 2.5) trong không khí. Đáng báo động là theo các báo cáo thì lượng xe ô tô chở khách ở Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng và ước tính sẽ cán mốc 400 triệu (từ 90 triệu như hiện nay) vào năm 2030. Mặc dù hầu hết chính quyền Trung Quốc đã hỗ trợ nâng cấp công nghệ sạch đối với xe ô tô nhưng vấn đề là dù công nghệ tốt đến đâu chăng nữa cũng không có thể hoạt động theo đúng tiêu chuẩn khi không có nhiên liệu chất lượng cao. Mà cũng chính điều này đã dẫn đến tình trạng đấu đá nội bộ khốc liệt.

Bộ Bảo vệ Môi trường là cơ quan tiên phong ủng hộ chính phủ trong việc nâng cao tiêu chuẩn nhiên liệu và công nghệ ô tô. Nhưng cơ quan này lại bị hạn chế khi không có quyền đơn phương áp đặt các tiêu chuẩn nhiên liệu mới hoặc buộc các công ty dầu phải thực thi. Do đó, Bộ Bảo vệ Môi trường chỉ có thể vận động bộ hoặc cơ quan khác có liên quan đưa ra giải pháp về tiêu chuẩn nhiên liệu và một trong số đó là Cục Quản lý Tiêu chuẩn của Trung Quốc. Nhưng với phần lớn thành viên thuộc các công ty dầu và vấn đề chi phí nâng cấp tiếp tục là “đề tài muôn thuở” thì kết quả các công ty dầu tiếp tục dây dưa là điều hiển nhiên. Và khi vấn đề không được giải quyết, tình trạng tiêu chuẩn nhiên liệu không theo kịp với công nghệ xe buộc Bộ Bảo vệ Môi trường phải trì hoãn ban hành các tiêu chuẩn khí thải ống xả mới, do đó tình trạng ô nhiễm từ ô tô lại trở về nguyên trạng.

Cho đến tháng 2 năm nay, sau khi mức độ ô nhiễm không khí ở miền Bắc Trung Quốc đạt mức nguy hiểm kỷ lục, các quan chức đã định ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nhiên liệu mới mà các công ty dầu ngăn cản trong nhiều năm. Nhưng nghi vấn liệu các công ty dầu sẽ thực hiện theo quy định, đặc biệt khi các quan chức ngành này đã từng chống lại lệnh tương tự của chính phủ cách đây 4 năm, lại tiếp tục xuất hiện.

Không riêng các công ty dầu, lĩnh vực năng lượng nhà nước cũng “noi theo”. Theo đó, các công ty điện lực thường xuyên bỏ qua yêu cầu của chính phủ về việc nâng cấp hệ thống nhà máy điện chạy bằng than đá, thậm chí sử dụng ảnh hưởng để tác động không nhỏ đến các cuộc thảo luận về chính sách môi trường. Trong động thái mới nhất hồi tháng 2, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đã ban hành nhiều tiêu chuẩn trong đó bao hàm những qui định chặt chẽ về khí thải nhà máy cho 6 ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu than đá. Đứng đầu danh sách là ngành công nghiệp điện với sức tiêu thụ hơn một nửa số than ở Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu các doanh nghiệp nhà nước có tuân thủ hay không lại là một vấn đề khác khi nhiều bản đánh giá cho thấy tất cả các nhà máy trong danh sách vi phạm do Bộ Bảo vệ Môi trường công bố đều nằm dưới sự kiểm soát của các công ty năng lượng lớn nhất, trải dài từ Nội Mông đến khu đô thị Trùng Khánh ở phía Tây Nam.

Theo bà Zhou- đại diện của tổ chức môi trường quốc tế Greenpeace thì một điểm khó khăn nữa cho vấn đề môi trường Trung Quốc là các hình thức xử phạt áp dụng chưa đủ tính răn đe khi số tiền phạt thường chỉ giới hạn khoảng 16.000 USD. Bà cho rằng trước tiên phải đình chỉ việc sản xuất tạm thời đối với trường hợp vi phạm và sau đó buộc các công ty này thực hiện nghiêm túc để đảm bảo tính hiệu quả. Một số nhà phân tích cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền Bắc Kinh phải kiên quyết trong việc thay đổi chính sách mới có thể vượt qua sự phản đối từ các nhóm lợi ích bởi “ô nhiễm không khí ở Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều từ mức độ không thể chấp nhận nổi như hiện nay”.

   VI VI (Theo New York Times)

  

Trung Quốc chi 16 tỉ USD để giải quyết khủng hoảng ô nhiễm ở Bắc Kinh

Hãng tin Anh Reuters hôm 28-3 cho biết Trung Quốc sẽ chi 16 tỉ USD trong vòng 3 năm để giải quyết tình trạng ô nhiễm của Bắc Kinh. Đây được xem là hành động mới nhất mà chính phủ nước này đưa ra nhằm xoa dịu sự tức giận của công chúng về tình trạng suy thoái môi trường.

Chính quyền Bắc Kinh đã cam kết nhằm cải thiện tình trạng xử lý nước thải, xử lý rác, chất lượng không khí cũng như thẳng tay trừng trị những ai xây dựng trái phép. Theo đó, Bắc Kinh sẽ đưa ra các kế hoạch bao gồm việc lắp đặt hoặc nâng cấp 1.290 km đường ống dẫn chất thải, xây dựng 5 nhà máy đốt rác, thiết lập 47 nhà máy tái chế nước và nâng cấp 20 nhà máy xử lý nước thải. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng có kế hoạch hạn chế xây dựng và sử dụng đất trái phép và sẽ sớm hoàn thành danh sách các tòa nhà xây dựng bất hợp pháp sẽ bị phá vỡ vào năm tới.

    HOÀNG NAM (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết