10/09/2019 - 00:07

Ukraine trong “canh bạc” với Nga 

Với thỏa thuận trao đổi tù nhân cùng Nga, giới quan sát nhận định “chiến thắng” này giúp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thực hiện lời hứa tranh cử nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy Kiev sẽ nhượng bộ hơn nữa.

Tổng thống Zelensky (phải) chào đón những người Ukraine được trả tự do khi họ hạ cánh xuống sân bay thủ đô Kiev. Ảnh: AFP

Tổng thống Zelensky (phải) chào đón những người Ukraine được trả tự do khi họ hạ cánh xuống sân bay thủ đô Kiev. Ảnh: AFP

Theo AFP, Nga và Ukraine hôm 7-9 đã trao đổi 70 tù nhân (mỗi bên 35 người). Trong số những người Ukraine được phóng thích có 24 thủy thủ trên con tàu mà hải quân Nga bắt giữ hồi năm ngoái và đạo diễn Oleg Sentsov bị Mát-xcơ-va kết tội âm mưu khủng bố. Chuyên gia phân tích Ukraine Volodymyr Fesenko cho đây là chiến thắng lớn về mặt chính trị đối với Tổng thống Zelensky khi nhận được sự tán đồng trong và ngoài nước. Diễn biến này đồng thời củng cố cam kết tranh cử của ông về việc cải thiện quan hệ với Nga nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình ở khu vực miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, tờ Bild của Đức mô tả cuộc trao đổi tù nhân này là “cú đúp” thắng lợi của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi Kiev chấp nhận điều kiện trả tự do cho chỉ huy đơn vị phòng không của lực lượng ly khai Ukraine Volodymyr Tsemakh. Đây là nhân vật duy nhất bị giam giữ trong số 4 nghi can vụ máy bay hãng hàng không Malaysia Airlines MH17 bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine năm 2014. Thảm họa hàng không khiến 298 người thiệt mạng với 196 nạn nhân quốc tịch Hà Lan.

Theo lời Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok, Amsterdam đã nhiều lần tham vấn chính quyền Kiev “ở cấp cao nhất” về việc không đưa Tsemakh vào danh sách trao đổi tù nhân nhằm hỗ trợ các cuộc điều tra hình sự. Tuy nhiên, theo giải thích từ Ukraine, Nga từ chối mọi cuộc trao đổi tù nhân nếu Kiev không trao trả Tsemakh. Tuy Tổng thống Zelensky sau đó khẳng định Ukraine đã lấy được lời khai, nhưng Amsterdam “rất lấy làm tiếc” trước việc Kiev “dưới áp lực” của Mát-xcơ-va đã trao trả nghi can nói trên.

Phương Tây “chia rẽ” trong “mệt mỏi”

AFP cho biết một số nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel hy vọng sự kiện hôm 7-9 mở ra cơ hội “sưởi ấm” mối quan hệ lạnh nhạt giữa Kiev và Mát-xcơ-va; đồng thời thúc đẩy nỗ lực do Pháp và Phần Lan dẫn đầu để cải thiện quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU). Ở phía ngược lại, có ý kiến quan ngại việc Ukraine bỏ qua lời kêu gọi của Hà Lan phản ánh thực tế nước này đã và đang thỏa hiệp. Câu hỏi đặt ra là Tổng thống Zelensky sẽ đi xa đến đâu và liệu Kiev sẽ đánh mất niềm tin cũng như sự ủng hộ của các nước châu Âu. Một nguồn tin Ukraine cho rằng việc phương Tây gần đây để Kiev tự giải quyết vấn đề với Mát-xcơ-va cho thấy họ đã “mệt mỏi” với quốc gia Đông Âu.

Phản ứng trái chiều xung quanh tính toán của Ukraine trong thỏa thuận với Điện Kremlin đồng thời khiến nội bộ EU chia rẽ trong chiến lược răn đe của khối nhằm chấm dứt khủng hoảng ở Ukraine. Theo đó, trong khi Tổng thống Zelensky và một nhóm các nước châu Âu nỗ lực hồi sinh quan hệ với Mát-xcơ-va, bên còn lại gồm những quốc gia vùng Baltic và Ba Lan muốn gia tăng các biện pháp trừng phạt cứng rắn kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Ukraine