09/06/2020 - 05:35

Úc - Trung khó hòa giải 

Bất chấp nỗ lực của Úc, Trung Quốc hiện không phản hồi đề nghị xoa dịu căng thẳng từ Canberra sau tranh cãi liên quan cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19.

Ảnh: Getty Images

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, chiếm tới hơn 30% giá trị thị trường xuất khẩu. Nhưng theo Jane Golley tại Đại học Quốc gia Úc, quan hệ hai nước từ năm 2017 bắt đầu rạn nứt khi Canberra cáo buộc Bắc Kinh can thiệp nội bộ và đẩy mạnh hoạt động gián điệp. Ảnh hưởng ngày càng tăng của cường quốc châu Á tại khu vực Thái Bình Dương cũng dần trở thành mối lo ngại đối với các chính trị gia xứ chuột túi.

Hai nước tiếp tục “đụng độ” trong đại dịch COVID-19 khi Úc gần như xác định dịch bệnh xuất phát từ khu chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán. Mặc dù nói rõ không nhắm vào Trung Quốc, nhưng việc Canberra hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ điều tra nguồn gốc đại dịch tiếp tục khiến Bắc Kinh nổi giận. Sau khi chỉ trích quốc gia châu Đại dương chơi trò “mưu mẹo nhỏ mọn”, Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu thịt bò từ 4 công ty chế biến thịt lớn nhất của Úc và áp thuế nặng lên hoạt động nhập khẩu lúa mạch trong 5 năm. Đại sứ Trung Quốc tại Úc Thành Cạnh Nghiệp còn dọa hàng hóa Úc có thể bị dân đại lục tẩy chay nếu nước này đeo đuổi cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19.

Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Úc Simon Birmingham (ảnh) đã bày tỏ thất vọng trước những phát biểu mang tính “cưỡng ép kinh tế” từ đại sứ Trung Quốc. Tuy vậy, ông phủ nhận chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia, đồng thời nhiều lần đánh tiếng với người đồng cấp Trung Quốc Chung Sơn về việc thảo luận giải quyết căng thẳng. Song, Bắc Kinh vẫn không phản hồi đề nghị đối thoại. Thậm chí, Bộ trưởng Chung tố ngược Úc mới là bên gây căng thẳng thương mại khi tiến hành 100 cuộc điều tra nhằm vào Trung Quốc kể từ thời điểm hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1972) đến nay.

Cuối tuần rồi, mâu thuẫn tiếp tục bị đẩy lên cao sau thông báo của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc khuyến cáo người dân không nên du lịch Úc với lý do tình hình phân biệt chủng tộc, bạo lực nhắm vào công dân đại lục và người gốc Á đang gia tăng đáng kể dưới tác động của dịch COVID-19. Ngay sau đó, Bộ trưởng Birmingham khẳng định tuyên bố từ Bắc Kinh về việc nước Úc “không an toàn” là “sai lệch”, “vô căn cứ” và “không có ích” cho quan hệ song phương.

Trước diễn tiến này, giới phân tích nói đây là cách Trung Quốc trả đũa việc Úc ban hành luật mới kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhằm hạn chế rủi ro an ninh quốc gia. Tờ Thời báo Hoàn cầu, vốn nổi tiếng với những bài viết mang giọng điệu hiếu chiến, ngày 5-6 còn lớn tiếng cho biết cảnh báo du lịch chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi” và Úc sẽ còn mất thêm nhiều lợi ích nếu tiếp tục duy trì chính sách “chống Bắc Kinh”.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, ABC News)

Chia sẻ bài viết