24/11/2012 - 21:23

Tùy tiện!

Gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều sách biên khảo, nghiên cứu lịch sử. Có thể coi đây là tín hiệu mừng cho văn hóa đọc, cung cấp kiến thức về lịch sử nước nhà cho bạn đọc – nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, không ít quyển sách viết cẩu thả, thông tin sai lệch, thiếu khách quan, khiến nhiều người bức xúc.

Bộ sách "Đại quang sử Việt" (2 tập) của tác giả Lê Nam, NXB Đồng Nai, khái quát quá trình hình thành và phát triển của nước ta từ thời Âu Lạc đến thế kỷ XXI. Sách đầy rẫy những chi tiết sai sót. Tác giả đã "cải biên" như "thi vị hóa" tình yêu của Lạc Long Quân và Âu Cơ: "Ngọc Hoàng hỏi lại: Ta biết rồi, nghe đâu tình yêu giữa con và Âu Cơ đã chín mùi lắm rồi thì phải?" (trang 23) đến "tự phong" cho Âu – Lạc là hai trong "Tứ bất tử" (?). Lâu nay, ai cũng biết "Tứ bất tử" của dân tộc ta là: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Thánh mẫu Liễu Hạnh. Bất cứ một học sinh tiểu học cũng biết Thục Phán An Dương Vương đóng đô ở thành Cổ Loa nhưng tác giả Lê Nam đã tự "dời" về "Phong Châu (Bạch Hạc - Việt Trì)". Chưa nói đến sách có nhiều chi tiết sai nghiêm trọng về chính trị.

 

Trước đó, cũng chính NXB Đồng Nai xuất bản cuốn "Danh nhân và thời đại" của hai tác giả Lê Văn Tiễn - Lê Nam, bị dư luận phản đối kịch liệt. Có những sai sót không thể chấp nhận như: chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1953 (?!), đúng ra phải là 1954…

Còn trong cuốn "Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca" (NXB Văn Học) mới tái bản, Nguyễn Q. Thắng đã chú thích lại các điển cố, điển tích, từ ngữ xưa nhưng có nhiều chi tiết sai. Tác giả cho rằng vợ Thoại Ngọc Hầu tên là "Hà thi Vĩnh Tế" nhưng thực tế bà tên Châu Thị Tế (TX Châu Đốc có con đường mang tên bà); Thoại Sơn ông lại chú thích: "Tức núi Sam", đúng ra phải là núi Sập (nằm ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) còn núi Sam ở TX Châu Đốc…

Nhiều cuốn sách nghiên cứu lịch sử nhưng sai sót các kiến thức cơ bản. Ngôn ngữ được "hiện đại hóa" một cách khiên cưỡng; văn phong, câu cú lộn xộn.

Phải thừa nhận rằng việc xuất bản các cuốn sách nghiên cứu lịch sử - văn hóa ra đời là một nỗ lực của tác giả và nhà xuất bản trong bối cảnh dư luận quan ngại về sự thiếu quan tâm sử Việt của một bộ phận người dân – nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, cách viết ẩu tả, thiếu đầu tư, nghiên cứu đã "giết" lịch sử nước nhà, mang đến cho người xem kiến thức sai lệch. Đáng lo nhất là nếu độc giả đem kiến thức này thi cử, thảo luận hay tuyên truyền thì hậu quả sẽ khó lường.

Nhiều người thắc mắc là trách nhiệm của đơn vị cấp phép, nhà xuất bản ở đâu khi để những cuốn sách sai sót đầy rẫy lại được phát hành rộng rãi?

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết