26/05/2008 - 10:08

Tương lai nào cho ông Musharraf ?

Tổng thống Musharraf đang cố níu kéo quyền lực.

Ban lãnh đạo Đảng Nhân dân Pakistan (PPP), đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền, vừa quyết định sẽ tiến hành sửa đổi hiến pháp nhằm tước hầu hết quyền lực của Tổng thống Pervez Musharraf. Theo bản dự thảo gồm 62 điểm mà PPP đệ trình lên Thủ tướng Yousuf Raza Gilani, tổng thống không có quyền giải tán quốc hội và sa thải thủ tướng. Quyền bổ nhiệm tư lệnh các lực lượng hải lục không quân và các tỉnh trưởng sẽ được chuyển giao cho thủ tướng, trong khi quốc hội giữ quyền chỉ định chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương. Ngoài ra, 60 thẩm phán bị Tổng thống Musharraf sa thải hồi cuối năm ngoái sẽ được phục chức. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng ý đồ của PPP thì ông Musharraf sẽ trở thành một tổng thống “bù nhìn”. Tháng 12 năm ngoái, ông Musharraf cũng đã phải ngậm ngùi rời bỏ chức tổng tư lệnh quân đội.

Để tước bỏ phần lớn quyền lực của tổng thống, dự thảo sửa đổi hiến pháp cần được sự ủng hộ của ít nhất 2/3 thành viên của Hạ viện 342 ghế và Thượng viện 100 ghế. Hiện Liên đoàn Hồi giáo Pakistan- Nawar (PML-N) của cựu Thủ tướng Nawar Sharif, đối tác chính của PPP trong liên minh cầm quyền, chưa tuyên bố có ủng hộ động thái này hay không (PPP và PML-N nắm hơn 2/3 số ghế tại Hạ viện). Ngày 13-5 vừa qua, PML-N đã rút toàn bộ 9 bộ trưởng ra khỏi chính phủ liên hiệp 24 ghế do bất đồng với PPP về cách thức phục chức cho các thẩm phán. Trong khi đó, ông Chaudhry Shujaat Hussain, Chủ tịch Liên đoàn Hồi giáo Pakistan- Quaid (PML-Q) thân ông Musharraf, tuyên bố sẽ cản trở bất kỳ nỗ lực nào nhằm luận tội tổng thống. Theo ông Hussain, dự thảo sửa đổi hiến pháp sẽ không được thông qua tại Thượng viện, nơi PML-Q chiếm số ghế đáng kể.

Đồng Chủ tịch PPP Asif Ali Zardari (phu quân của cựu Thủ tướng bị sát hại Benazir Bhutto) cảnh báo Tổng thống Musharraf, người mà ông gọi là “tàn dư của quá khứ”, nên tự nguyện từ chức nếu không muốn bị luận tội. Trong khi đó, các cựu tướng lĩnh Pakistan không chấp nhận để Tổng thống Musharraf “hạ cánh an toàn”. Họ yêu cầu phải xét xử ông Musharraf tội phản quốc do nhiều lần vi hiến, trong đó có việc lật đổ Thủ tướng dân cử Sharif vào năm 1999. Tại cuộc họp báo ngày 24-5, người phát ngôn PML-N Siddiq-ul-Farooq cũng yêu cầu luận tội Tổng thống Musharraf vì cho rằng ông này có liên quan đến cái chết của bà Bhutto hồi cuối năm ngoái.

Thật ra, việc ở hay đi của ông Musharraf (chứ chưa nói tới việc có truy tố ông này hay không) còn có thể bị tác động từ bên ngoài. Mỹ vẫn muốn ông Musharraf, người mà Tổng thống George Bush gọi là đồng minh chủ chốt trong cuộc chiến chống khủng bố, tiếp tục tại vị. Còn nhớ khi ông Musharraf đang vất vả đương đầu với áp lực buộc phải từ chức hồi mùa thu năm ngoái, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Negroponte đã lập tức “giải vây” bằng tuyên bố ông Musharraf là người “không thể thiếu” (đối với Washington).

LÊ DÂN
(Theo AFP, Bloomberg, THX)

LÊ DÂN (Theo AFP, Bloomberg, THX)

Chia sẻ bài viết