08/06/2023 - 20:38

Trung Quốc vấp rào cản ở Nam Thái Bình Dương

MAI QUYÊN (Theo AP, Reuters)

Ngày 7-6, Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka cho biết nước này sẽ xem xét lại mối quan hệ an ninh với Trung Quốc giữa thời điểm căng thẳng địa chính trị ở  Nam Thái Bình Dương gia tăng.

Thủ tướng New Zealand Hipkins (trái) và người đồng cấp Fiji Rabuka. Ảnh: Reuters

Được biết, ông Rabuka đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới New Zealand. Và trong cuộc họp báo với người đồng cấp nước sở tại Chris Hipkins, Thủ tướng Rabuka xác nhận hai bên đang làm việc về một thỏa thuận quốc phòng có thể hoàn tất trong tuần tới, cho phép quân đội Fiji xây dựng năng lực, kỹ năng cũng như tiếp xúc với công nghệ mới.

Thỏa thuận trên được đưa ra khi New Zealand, Úc và các đối tác tìm cách ngăn chặn các quốc đảo Thái Bình Dương thiết lập quan hệ an ninh ngày càng sâu sắc với Trung Quốc. Hiện chính quyền Thủ tướng Rabuka cũng có một thỏa thuận an ninh gây tranh cãi với Trung Quốc. Hồi năm 2011, chính phủ của Thủ tướng Frank Bainimarama đã ký biên bản ghi nhớ cho phép các cảnh sát trong nước tham gia đào tạo tại Trung Quốc. Thỏa thuận cũng đồng ý các cảnh sát Trung Quốc được triển khai tới đảo quốc Nam Thái Bình Dương trong chương trình 3-6 tháng.

Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử cách đây 6 tháng, chính phủ liên minh của Thủ tướng Rabuka tỏ ra hoài nghi về mối quan hệ thân thiết với Bắc Kinh. Trong nỗ lực tách khỏi chính sách của người tiền nhiệm, ông Rabuka hồi tháng 1 tuyên bố Suva có lẽ không cần thiết tiếp tục thỏa thuận an ninh với Trung Quốc vì lý do “khác biệt về thể chế dân chủ, chính trị và tư pháp”. Fiji sau đó đơn phương đình chỉ các hoạt động có liên quan tới thỏa thuận, nhưng không hành động gì thêm. Về phía Trung Quốc, nước này cho biết thỏa thuận an ninh đã mang lại lợi ích cho Fiji và hy vọng hai bên có thể duy trì hợp tác.

Trái với mong muốn trên, Thủ tướng Rabuka trong bài phát biểu ở New Zealand dường như đã có quyết định khi đề cập đến việc Fiji có thể “ngừng hẳn” thỏa thuận với Trung Quốc. Theo ông, khu vực đang đối mặt sự cạnh tranh địa chính trị lớn hơn và mối quan ngại chung của các nước Nam Thái Bình Dương là leo thang tình trạng quân sự hóa một khi tiến trình ngoại giao không mang lại kết quả. Trong bối cảnh như vậy, ông Rabuka không nhắc trực tiếp tới Trung Quốc nhưng hoài nghi sự khác biệt từ hệ thống đến giá trị liệu sẽ đem lại mối quan hệ hợp tác thiết thực. “Fiji cần cân nhắc lại điều đó trước khi quyết định liệu có tiếp tục thỏa thuận an ninh hay không, hoặc chúng ta nên quay lại với những đối tác truyền thống có các giá trị và hệ thống dân chủ tương tự” - Thủ tướng Rabuka nói thêm.

Mỹ và đồng minh tăng cường đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc

Những năm gần đây, Mỹ và Trung Quốc liên tục so kè ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương. Trong động thái khiến Washington và các đồng minh lo ngại, Trung Quốc năm ngoái đã ký hiệp ước an ninh riêng với Quần đảo Solomon. Có nhiều đồn đoán cho rằng hiệp ước này có thể mở đường giúp Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở Nam Thái Bình Dương. Trước đà mở rộng ảnh hưởng kinh tế và an ninh của Trung Quốc trong khu vực, Mỹ hồi tháng 5 xác nhận ký hiệp ước an ninh mới với Papua New Guinea - quốc gia có vị trí chiến lược khi nằm ngay phía Bắc nước Úc. Washington cũng mở các đại sứ quán ở Quần đảo Solomon và Tonga, khôi phục chương trình tình nguyện của Tổ chức Hòa bình.

Chia sẻ bài viết