10/01/2016 - 09:59

Trung Quốc và kế hoạch thay đổi diện mạo quân đội

Theo các chuyên gia quân sự, Trung Quốc đang tiến hành chương trình cải cách quân đội theo hướng ngăn chặn bất kỳ đơn vị nào thao túng quyền lực. Nếu thành công thì đến năm 2020, kế hoạch này sẽ mở ra một cơ cấu chỉ huy hoàn toàn khác cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Trong bài nhận định, trang Straits Times của Singapore cho biết bước cải cách đầu tiên là trao quyền kiểm soát nhiều hơn cho Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc (CMC) - cơ quan chỉ huy PLA vốn do Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền. Cụ thể, 4 cơ quan đầu não của PLA gồm Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị sẽ giải thể và phân bố nhiệm vụ lại cho 6 phòng ban mới. Theo giới quan sát, động thái này nhằm ngăn chặn tình trạng chuyên quyền của các phòng ban tương tự như dưới thời của 2 cựu Phó Chủ tịch CMC Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng vốn "ngã ngựa" từ năm 2012. Ngoài ra, Trung Quốc còn thành lập 3 đơn vị mới chịu trách nhiệm về kỷ luật, pháp lý và công nghệ. Cả ba sẽ báo cáo trực tiếp cho CMC để nâng cao tính tự chủ cũng như mở rộng quyền lực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp với tướng lĩnh quân đội. Ảnh: globalriskinsights

Trong khi đó, quyền hạn các quân khu ngược lại sẽ giảm bớt nhằm ngăn chặn các chỉ huy khu vực thao túng quyền lực, trở thành mối đe dọa đối với CMC. Cụ thể, 7 quân khu hiện nay được tái cơ cấu thành 5 vùng mới nhưng chỉ tập trung vào công tác chuẩn bị cho hoạt động chiến đấu còn quyền hạn hành chính thì chuyển sang cho các đơn vị quân đội mới thành lập. Đặc biệt, CMC sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAP) cùng với Quốc vụ viện thông qua Bộ Công an. Chiến lược này nhằm ngăn chặn lực lượng bán quân sự trở thành công cụ chính trị tiềm năng sau vụ việc của nguyên Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, người từng giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật trung ương từ năm 2007 đến năm 2012.

Straits Times trích quan điểm của chuyên gia bình luận quân sự Wu Ge ở Bắc Kinh cho biết, mục tiêu cải cách PLA là nhằm tăng cường quyền lực của CMC nhưng một số nhà quan sát nói rằng tái cơ cấu quân sự, kết hợp nhiều lực lượng vũ trang khác nhau và đặc biệt chú trọng lực lượng Không quân, Hải quân là cần thiết và đúng với yêu cầu hiện đại hóa PLA nhằm nâng cao hiệu quả trong chiến đấu.

Được biết trong số 10 vị tướng của CMC thì có 2 người từ lực lượng Không Quân là Tướng Hứa Kỳ Lượng và Tướng Mã Hiểu Thiên cùng một chỉ huy lực lượng Hải quân - Đô đốc Ngô Thắng Lợi. Theo chuyên gia quân sự Nghê Lạc Hùng làm việc tại Thượng Hải, phân đều quyền lực trong PLA và đề bạt tướng lĩnh Hải quân và Không quân là sự thay đổi không thể tránh khỏi khi vai trò 2 lực lượng này ngày càng quan trọng đối với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo giới phân tích, Trung Quốc thông qua việc hiện đại quân đội đang tìm cách "tối đa hóa" cái gọi là "thời kỳ cơ hội chiến lược". Không chỉ vậy, các nhà phân tích của Mỹ còn cho rằng Bắc Kinh ngoài mục tiêu quốc phòng sẽ tận dụng sức mạnh chiến lược mới để tranh giành lợi ích không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới.

MAI QUYÊN (Theo Strait Times)

Chia sẻ bài viết