09/05/2021 - 10:09

Trung Quốc trong thượng đỉnh EU - Ấn Độ 

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Ấn Ðộ được tổ chức trực tuyến ngày 8-5, diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây tang thương lớn tại quốc gia Nam Á đông dân thứ hai thế giới và điều này cho thấy hai bên quyết tâm tạo ra sự đột phá trước những thách thức nghiêm trọng, trong đó Trung Quốc là mối bận tâm hàng đầu.

Thủ tướng Narendra Modi  xuất hiện trước đám đông hôm 21-4, thời khắc Ấn Độ đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai. Ảnh: CNN

Tầm quan trọng của thượng đỉnh EU - Ấn Ðộ năm nay được thể hiện khi lần đầu tiên có sự tham gia của tất cả nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của 27 quốc gia thành viên của khối tại thành phố Porto của Bồ Ðào Nha. Các thượng đỉnh lần trước chỉ có Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu tham dự cùng Thủ tướng Chính phủ Ấn Ðộ. Ðây là lần thứ hai tất cả 27 lãnh đạo quốc gia thành viên EU tham dự hội nghị thượng đỉnh với đại diện cấp cao một nước bên ngoài, sau thượng đỉnh trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 3.

EU đắn đo với Trung Quốc

Hồi tháng 4, EU đã thông qua chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xích lại gần hơn quan hệ kinh tế với Ấn Ðộ, đồng thời cảnh báo Trung Quốc bằng cam kết thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ với các tuyến vận tải hàng hải tự do, rộng mở, phù hợp hoàn hoàn luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, quan hệ EU - Trung Quốc thời gian qua rất căng thẳng về vấn đề nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương, khiến quá trình thông qua Hiệp định toàn diện về đầu tư giữa hai bên đang gặp trắc trở. Hiệp định đã hoàn tất vào tháng 12-2020 sau 7 năm đàm phán khó khăn và đây được coi là cơ hội lớn thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa cặp đối tác thương mại hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh căng thẳng chính trị với Trung Quốc, EU giờ đây muốn tìm kiếm những cơ hội thương mại và đầu tư mới từ Ấn Ðộ và thậm chí cả Mỹ. Sau giai đoạn khó khăn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, giới lãnh đạo EU hy vọng có thể tái đàm phán hiệp định thương mại với chính quyền ông Biden.

Ngay cả khi phải thông qua Hiệp định toàn diện về đầu tư với Trung Quốc, EU đã tự tính các quy định mới nhằm ngăn chặn các thương vụ thâu tóm của các doanh nghiệp nước ngoài được nhà nước bảo trợ. Quy định mới sẽ cho phép các cơ quan về cạnh tranh của EU tiến hành điều tra các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách thâu tóm các công ty của EU hay các hợp đồng công của khối này. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng đã thông qua chiến lược công nghiệp mới giúp EU tăng cường tự chủ các sản phẩm công nghiệp nhạy cảm vốn bị gián đoạn nguồn cung ứng toàn cầu trong đại dịch COVID-19. Chiến lược này được cho nhằm đảm bảo EU giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc.

Ấn Độ trở thành đối tác kết nối

Thời báo Hindustan - nhật báo tiếng Anh của Ấn Ðộ cho biết, các nhà lãnh đạo EU và Ấn Ðộ kỳ vọng hội nghị lần này sẽ thống nhất khởi động đàm phán 3 thỏa thuận quan trọng về thương mại, bảo hộ đầu tư và chỉ dẫn địa lý, coi đây là một phần trong các nỗ lực tìm kiếm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra. Hai bên đã dừng đàm phán thương mại từ năm 2013 bởi những khác biệt về thuế quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, an ninh dữ liệu…

Tuy nhiên, hai bên đặt kỳ vọng lớn nhất tại hội nghị lần này là thỏa thuận thiết lập đối tác kết nối phát triển các dự án cơ sở hạ tầng song phương và trên toàn thế giới. Ðối tác kết nối này dựa trên nền tảng minh bạch, tôn trọng tiêu chuẩn quốc tế và tạo cơ hội công bằng cho doanh nghiệp hai bên. EU đã thiết lập đối tác kết nối duy nhất với Nhật Bản năm 2019 nhằm mở ra sự lựa chọn khác trước sự gia tăng đáng ngại của các dự án theo sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh.

Theo nhà phân tích Shairee Malhotra tại Brussels, đối tác kết nối EU - Ấn Ðộ cũng nhằm chống lại ảnh hưởng của BRI và theo đuổi các dự án hạ tầng chung về năng lượng, giao thông và kỹ thuật số. Không chỉ BRI, bà Malhotra cho rằng Trung Quốc nói chung là “yếu tố then chốt” mang đến động lực mới cho quan hệ EU - Ấn Ðộ. Hai bên đang cùng chung mối lo ngại về thách thức an ninh tại Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, về mạng lưới 5G của Trung Quốc. Ấn Ðộ mới đây đã cho phép hơn một chục công ty tiến hành thử nghiệm phát sóng mạng 5G trong 6 tháng mà không có công ty nào của Trung Quốc tham gia. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng bày tỏ lo ngại các công ty Trung Quốc bị gạt khỏi cuộc đua phát triển mạng lưới 5G dù họ đã hiện diện tại Ấn Ðộ từ nhiều năm.

ÐỨC TRUNG (Theo Hindustan times, SCMP, Reuters)

Chia sẻ bài viết