19/03/2020 - 21:01

Trung Quốc muốn đi đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 

Trong bối cảnh COVID-19 bùng phát và nhiều quốc gia phải đau đầu đối phó, Trung Quốc tự xem mình là quốc gia đi đầu và là “mạnh thường quân” trong cuộc chiến chống dịch, vun đắp loại quyền lực mềm mà Bắc Kinh cần tại thời điểm nổ ra cuộc cạnh tranh khốc liệt với Mỹ và tầm ảnh hưởng Trung Quốc bị soi mói trên khắp thế giới.

Máy bay Trung Quốc chở vật tư y tế tới châu Âu. Ảnh: NYT

Chỉ vài tuần trước, Trung Quốc như trên chảo lửa khi SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lan rộng trên khắp nước này. Bắc Kinh khi đó nhận lời hỗ trợ khẩu trang và vật tư y tế khác từ gần 80 quốc gia và 10 tổ chức quốc tế. Giờ đây, khi các ca nhiễm mới giảm mạnh, đặc biệt trong ngày 18-3, Trung Quốc đại lục lần đầu ghi nhận không có ca nhiễm mới trong nước kể từ khi COVID-19 bùng phát hồi tháng 1-2020, Bắc Kinh đang “tổng phản công” ngoại giao để giúp đỡ các nước đang gặp khó trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.

Cụ thể, Trung Quốc đã tặng nhiều bộ dụng cụ xét nghiệm SARS-CoV-2 cho Campuchia; triển khai nhiều chuyến bay chở máy thông gió, khẩu trang, chuyên gia y tế đến Ý và Pháp; gửi 2.000 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 đến Philippines; trong khi cam kết giúp đỡ Tây Ban Nha cũng như nhiều nước khác.

Cách đây 10 ngày, Trung Quốc đã gửi 7 chuyên gia y tế cùng với nhiều thiết bị vật tư y tế đến Iraq, gồm 2 bộ máy nhằm cho phép nhân viên phòng thí nghiệm Iraq tăng số ca xét nghiệm COVID-19 lên gấp 4 lần. Các chuyên gia Trung Quốc cũng hướng dẫn các bác sĩ và giới chức y tế Iraq các bước chống lại COVID-19, tham gia hội nghị từ xa với các giám đốc bệnh viện ở Iraq. Hôm 18-3, Trung Quốc tuyên bố sẽ cung cấp 2 triệu khẩu trang y tế, 200.000 khẩu trang chuyên dụng và 50.000 bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 cho châu Âu. Trong khi đó, Jack Ma, người giàu nhất Trung Quốc và châu Á, tặng 500.000 bộ xét nghiệm và 1 triệu khẩu trang cho Mỹ.

Mới đây, Trung Quốc còn cho thấy vai trò quan trọng của mình trong cuộc chiến chống COVID-19 khi Chủ tịch Tập Cận Bình gửi lời an ủi tới Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”, đồng thời gợi ý hai nước nên tăng cường hợp tác và trao đổi sau khi dịch bệnh được dập tắt. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, ông Tập bày tỏ hy vọng sẽ thiết lập “con đường tơ lụa y tế” như là một phần của sáng kiến “Vành đai, Con đường” mà Trung Quốc đang triển khai khắp thế giới. Đặc biệt, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã gửi yêu cầu trợ giúp đến Trung Quốc chứ không phải bất kỳ nước láng giềng nào khác ở châu Âu. “Ở châu Âu, không tồn tại hai chữ đoàn kết. Đó chỉ là một câu chuyện cổ tích trên giấy. Tôi tin vào người anh em và là người bạn của tôi Tập Cận Bình. Tôi tin vào sự giúp đỡ của Trung Quốc” - Tổng thống Vucic nhấn mạnh khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên truyền hình.

Giới phân tích cho rằng, với chiến lược trên, Trung Quốc đang giữ vai trò mà phương Tây từng thống trị trong những lần xảy ra thảm họa thiên nhiên hoặc những lúc sức khỏe cộng đồng bị đe dọa. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc lại hứng phải làn sóng chỉ trích. Bruno Maçães, cựu Ngoại trưởng Bồ Đào Nha cho rằng Bắc Kinh xem cuộc khủng hoảng như là cơ hội để mở rộng ảnh hưởng của mình.

Số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tính tới chiều 19-3

Thế giới. 

Trung Quốc.   

Ý.   

Iran.  

Tây Ban Nha.  

Đức.  

Mỹ. 

Pháp.      

Hàn Quốc.    

Nhiễm: 220.313;    

Nhiễm: 80.928;    

Nhiễm: 35.713;    

Nhiễm: 17.361;   

Nhiễm: 14.769;  

Nhiễm: 12.343;   

Nhiễm: 9.464;     

Nhiễm: 9.134;   

Nhiễm: 8.565;  

 tử vong: 8.980

 tử vong: 3.245

 tử vong: 2.978

 tử vong: 1.135

tử vong: 638

 tử vong: 28

tử vong: 155

 tử vong: 264

 tử vong: 91

TRÍ VĂN (Theo NYT, Guardian)

Chia sẻ bài viết