17/03/2020 - 19:00

Trung Quốc khuếch trương thuốc cổ truyền trong điều trị COVID-19 

Xiong Qingzhen, kỹ sư máy bay không người lái tại Vũ Hán, đã mất hai tuần điều trị COVID-19 tại một bệnh viện dã chiến hồi tháng 2. Cứ mỗi sáng và tối, anh được trao một bọc súp màu nâu, phương thuốc cổ truyền của Trung Quốc được pha trộn từ hơn 20 loại thảo mộc, gồm cây ma hoàng, cành quế và rễ cam thảo.

Song, không giống như hầu hết các bệnh nhân xung quanh, Xiong tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của thuốc rồi không chịu uống. "Tôi nghĩ đó chỉ là một loại giả dược" - Xiong cho biết.

Đông y được Trung Quốc khuyến khích dùng trong điều trị COVID-19. Ảnh: CNN

Không chỉ Xiong, nhiều người khác cũng như các chuyên gia phương Tây từ lâu đã đặt nghi vấn về sự an toàn và hiệu quả của Đông y Trung Quốc. Tuy nhiên, loại thảo dược "làm sạch và giải độc phổi" nói trên là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đưa y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) vào điều trị COVID-19. Tính đến cuối tháng rồi, hơn 85% bệnh nhân Trung Quốc nhiễm COVID-19 (khoảng 60.000 người) đã được điều trị bằng thảo dược cùng với các loại thuốc chống virus chính thống. "Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ "kinh nghiệm Trung Quốc" và "giải pháp Trung Quốc" trong điều trị COVID-19, cũng như giúp các quốc gia khác biết đến, hiểu và sử dụng Đông y Trung Quốc" - Yu Yanhong, Cục phó Cục Quản lý Y học cổ truyền quốc gia Trung Quốc, tuyên bố trong một cuộc họp báo.

Hiện chưa có thuốc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Cho đến hiện tại, các phương pháp điều trị SARS-CoV-2 cũng chỉ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng - lý do khiến Trung Quốc tin tưởng vào Đông y trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. "Nhờ khả năng điều chỉnh thân nhiệt và cải thiện hệ miễn dịch, Đông y có thể giúp kích thích khả năng chống virus và phục hồi của bệnh nhân. Đây là một cách trị liệu hiệu quả" - bà Yu nhấn mạnh, đồng thời cho biết y học cổ truyền từng giúp Trung Quốc chống lại virus, chẳng hạn như đại dịch SARS năm 2002 và 2003 lấy đi sinh mạng của hàng trăm người Trung Quốc.

Theo bà Yu, phần lớn trong số hơn 50.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19 xuất viện được điều trị bằng Đông y. Bà này cũng nêu ra vài ví dụ cho thấy tính hiệu quả của việc kết hợp điều trị COVID-19 bằng Đông-Tây y. Chẳng hạn, trong một thử nghiệm lâm sàng trên 102 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ ở Vũ Hán, so với nhóm bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc Tây, nhóm bệnh nhân được kết hợp điều trị Đông-Tây y có tỷ lệ hồi phục cao hơn 33%. Trong một nghiên cứu khác trên các ca nghiêm trọng hơn, các bệnh nhân được kết hợp điều trị Đông-Tây y cũng ra viện sớm hơn, đồng thời có lượng ôxy trong máu và lượng tế bào bạch huyết - chỉ số quan trọng về sức khỏe bệnh nhân hồi phục - cao hơn so với nhóm bệnh nhân chỉ điều trị Tây y.

Không chỉ được áp dụng ở tâm dịch Vũ Hán, Đông y còn được dùng điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại nhiều nơi khác trên khắp Trung Quốc. Tại Chiết Giang, hơn 95% bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị bằng Đông y. Còn tại thủ đô Bắc Kinh, 92% trong số các bệnh nhân được điều trị bằng y học cổ truyền cho thấy bệnh tình được cải thiện. Tuy nhiên, Yanzhong Huang, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại Mỹ cho rằng số người khỏi bệnh chỉ là những ca nhẹ và tỷ lệ 92% người khỏi bệnh nhờ Đông y chỉ là lời đồn thổi.

Giới chuyên gia cho rằng động thái dùng Đông y trong điều trị COVID-19 là nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm quảng bá phương pháp điều trị này trong và ngoài nước. Quốc vụ viện Trung Quốc hồi năm ngoái ước tính, ngành công nghiệp Đông y của nước này có thể đạt 3 nghìn tỉ nhân dân tệ (430 tỉ USD) trong năm 2020, tăng 71% so với năm 2017. Bắc Kinh cũng thúc đẩy đông y thông qua Sáng kiến "Vành đai, Con đường", trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem y học cổ truyền như là niềm tự hào dân tộc. Tại hội nghị quốc gia về TCM hồi tháng 10 năm ngoái, ông Tập tuyên bố: "Y học cổ truyền là kho báu của nền văn minh Trung Quốc bao quát sự thông tuệ của quốc gia và dân tộc". 

Trong bối cảnh đại dịch bùng phát, ông Tập khuyến khích các bác sĩ kết hợp Đông-Tây y trong điều trị cho bệnh nhân.

TRÍ VĂN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết