TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Chủ tịch Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình hôm 31-7 đã bổ nhiệm chỉ huy mới của Quân chủng Tên lửa. Quyết định được đưa ra 1 ngày trước lễ kỷ niệm 96 năm thành lập Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
![Trung Quốc cải tổ Quân chủng Tên lửa](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2023/20230803/images/15-1.jpg)
Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa) chụp ảnh cùng ông Vương Hậu Bân (trái) và ông Từ Tây Thịnh hôm 31-7. Ảnh: AP
Theo đó, ông Vương Hậu Bân, Phó tư lệnh Hải quân, được bổ nhiệm làm Tư lệnh mới của Quân chủng Tên lửa, còn ông Từ Tây Thịnh được chuyển từ Chính ủy Không quân của Chiến khu Nam Bộ lên Chính ủy của Quân chủng Tên lửa. Ông Vương và ông Từ cũng được thăng quân hàm. Hiện không rõ ông Lý Ngọc Siêu, chỉ huy của Quân chủng Tên lửa, được phân công vị trí nào.
Theo China Daily, Quân chủng Tên lửa chịu trách nhiệm quản lý, vận hành tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Quân chủng Tên lửa Trung Quốc được xem là một trong những lực lượng tên lửa lớn nhất thế giới. Việc ông Tập đột ngột thay thế 2 lãnh đạo hàng đầu của lực lượng này bằng 2 người “ngoài ngành” được xem là biến động lớn nhất trong quân đội đất nước tỉ dân trong vòng hơn 5 năm qua, qua đó làm dấy lên đồn đoán về tình trạng tham nhũng hoặc sự yếu kém trong lực lượng quản lý tên lửa hạt nhân của Trung Quốc.
Một số nhà phân tích cho rằng hành vi tham nhũng liên quan đến việc Quân chủng Tên lửa mạnh tay chi cho tên lửa, hầm chứa và công nghệ dường như là nguyên nhân dẫn đến sự “ngã ngựa” của giới lãnh đạo lực lượng này. Theo Matt Bruzzese, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn BluePath Labs (Mỹ), rất nhiều tiền đã đổ vào lực lượng này trong bối cảnh họ đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các hầm chứa hạt nhân. Ông Bruzzese cho rằng lịch sử từng cho thấy các hợp đồng mua sắm thiết bị là con đường chính dẫn đến nhiều vụ tham nhũng trong PLA. Những lời đồn đoán càng trở nên có cơ sở khi văn phòng mua sắm của quân đội Trung Quốc mới đây kêu gọi cung cấp thông tin về khả năng tham nhũng trong các hợp đồng mua sắm có từ năm 2017.
David C. Logan, phó giáo sư tại Trường Fletcher thuộc Ðại học Tufts (Mỹ) chuyên nghiên cứu về Quân chủng Tên lửa và quá trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, cho rằng sự xáo trộn trên có thể làm gián đoạn quá trình hiện đại hóa vũ khí của Trung Quốc, bởi sự bất ổn ở cấp cao không bao giờ là dấu hiệu tốt khi thực hiện những thay đổi quy mô lớn mà những thay đổi diễn ra trong Quân chủng Tên lửa lại rất đáng kể.
Ðáng chú ý hơn khi lãnh đạo cấp cao mới của lực lượng này ít có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà họ phụ trách. Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (Mỹ), cũng có quan điểm tương tự. “Vào thời điểm Trung Quốc đang cố gắng xây dựng kho vũ khí hạt nhân để ngăn chặn sự can thiệp tiềm tàng của Mỹ vào một tình huống bất ngờ ở Ðài Loan, việc cải tổ nhân sự của Quân chủng Tên lửa và nguyên nhân sâu xa của nó sẽ làm dấy lên sự hoài nghi về khả năng thực hiện sứ mệnh của lực lượng này” - bà Yun nói. Còn Drew Thompson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Ðại học quốc gia Singapore, thì cho rằng việc luân chuyển kiểu này là không minh bạch, làm giảm niềm tin và làm tăng nguy cơ hiểu lầm. Do đó, Mỹ và Trung Quốc cần phải có các cuộc đối thoại về tác động hạt nhân chiến lược.
Hiện PLA sở hữu một trong những kho vũ khí tên lửa tinh vi và lớn nhất thế giới. Năm 2021, Trung Quốc đã phóng 135 tên lửa đạn đạo để thử nghiệm và huấn luyện, nhiều hơn số vụ phóng thử tên lửa phần còn lại của thế giới cộng lại. Quân chủng Tên lửa cũng kiểm soát gần như toàn bộ lượng vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc. Dù Bắc Kinh không tiết lộ quy mô lực lượng hạt nhân của nước này, nhưng Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc có hơn 400 đầu đạn hạt nhân và có thể sở hữu 1.500 đầu đạn vào năm 2035 nếu tiếp tục mở rộng kho vũ khí với tốc độ hiện tại. Lực lượng này cũng đã mở rộng quy mô hạt nhân bằng cách xây dựng khoảng 300 hầm phóng tên lửa đạn đạo.