04/02/2010 - 21:52

Trở ngại đối với kế hoạch "chiêu hàng" Taliban

Quốc vương Abdullah (trái) tiếp Tổng thống Karzai tại Riyadh hôm 3-2. Ảnh: AP

Ngày 3-2, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã tới Thủ đô Riyadh của Arabie Séoudite nhằm thuyết phục Quốc vương Abdullah bin Abdul Aziz làm trung gian hòa giải với các thủ lĩnh phiến quân Taliban. Sau lần trình bày kế hoạch tái hòa hợp Taliban vào xã hội Afghanistan tại hội nghị quốc tế đặc biệt ở Luân Đôn (Anh) hồi tuần rồi, ông Karzai hy vọng Quốc vương Abdullah sẽ đóng vai trò chính trong bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 8 năm qua.

Sở dĩ Tổng thống Karzai đề nghị Arabie Séoudite làm trung gian là do nước này có ảnh hưởng lớn với các thủ lĩnh Taliban, khi “canh giữ” những địa điểm thiêng liêng nhất của đạo Hồi, và Riyadh là một trong số ít chính quyền công nhận chế độ Taliban hồi cuối thập niên 1990. Mặt khác, Arabie Séoudite cũng có kinh nghiệm nhờ việc triển khai chương trình cải tạo các phần tử Hồi giáo cấp tiến, mặc dù bị Mỹ chỉ trích mạnh mẽ sau khi một số phần tử được cảm hóa đã quay lại với chủ nghĩa khủng bố. Chẳng hạn như một cựu tù ở vịnh Guantanamo được hòa hợp xã hội theo chương trình của Arabie Séoudite nhưng hiện lại trở thành phó thủ lĩnh Al Qaeda trên bán đảo A-rập. Chính quyền Riyadh nói rằng họ sẽ không từ bỏ chương trình cảm hóa các tay súng nổi dậy này. Tuy nhiên, có thể đã rút ra “bài học xương máu” nên Thái tử Saud al Faisal (cũng là Ngoại trưởng Arabie Séoudite) tuyên bố rằng Taliban phải cắt đứt tất cả quan hệ với Al Qaeda trước khi Riyadh xem xét làm trung gian theo đề nghị của ông Karzai.

Trong khi đó, các cựu quan chức Taliban cho rằng không có sự thay đổi nào trong chính sách đối với Mỹ và không muốn đàm phán với chính quyền Kabul do Washington bảo trợ. Họ khẳng định bất kỳ nỗ lực nào nhằm cám dỗ các tay súng Taliban chỉ lãng phí thời gian và tiền bạc.

Sự phản đối kế hoạch của Tổng thống Karzai cũng đang gia tăng trong dân chúng Afghanistan. Một số người lo ngại việc cộng đồng quốc tế cam kết lập quỹ 140 triệu USD đổ vào các ngôi làng do Taliban kiểm soát ở miền Nam (nhằm chiêu dụ các tay súng từ bỏ Taliban) có thể là bất công khi “thưởng” cho những kẻ từng chiến đấu chống chính phủ. Một vài cộng đồng thiểu số cũng hoài nghi số tiền đó sẽ được ưu tiên cho các khu vực có đông người Pashtun, chiếm đa số tại Afghanistan (bản thân Tổng thống Karzai là người Pashtun).

Tuy Mỹ về cơ bản ủng hộ sáng kiến hòa hợp của ông Karzai, nhưng hai bên vẫn bất đồng về cách thức thực hiện. Các quan chức Mỹ muốn tập trung vào việc chiêu hàng các tay súng Taliban cấp thấp, và kỳ vọng 30.000 quân tăng viện có thể đẩy Taliban vào thế yếu trong đàm phán. Ngược lại, chính quyền Karzai nhấn mạnh nhất thiết phải đạt được thỏa thuận với các thủ lĩnh cấp cao của Taliban.

N. KIỆT (Theo AP, Guardian, WSJ)

Quốc vương Abdullah (trái) tiếp Tổng thống Karzai tại Riyadh hôm 3-2. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết