26/08/2017 - 01:31

Triều Tiên hé lộ hình ảnh ICBM mới 

Hôm 24-8, CHDCND Triều Tiên bất ngờ cho đăng tải những hình ảnh được cho là thiết kế của tên lửa mới. Theo các chuyên gia quân sự, Bình Nhưỡng có thể đang muốn gởi đi thông điệp rằng họ vẫn tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và thậm chí mạnh hơn bất kỳ tên lửa nào từng phóng thử.

Chùm ảnh do kênh truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA công bố ghi lại chuyến thị sát của Chủ tịch Kim Jong-un đến Viện Vật liệu Hóa học thuộc Học viện Hàn lâm Khoa học Quốc phòng (ảnh). Trong đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên đứng bên cạnh sơ đồ chú thích tên lửa 3 tầng “Hwasong-13”. Một số bức ảnh còn cho thấy bản thiết kế khác có vẻ là tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn phóng từ tàu ngầm “Pukguksong-3”.

Theo Reuters, các chuyên gia về tên lửa đã xem xét kỹ các bức ảnh nhằm tìm ra đầu mối về chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Dựa trên những gì được công bố, họ xác định không có dấu hiệu nào cho thấy tên lửa đã được phát triển đầy đủ. Tuy vậy, có một số ảnh về lớp vỏ tên lửa dường như làm bằng nhựa. Nếu được sử dụng, loại vật liệu này được cho giúp giảm trọng lượng và tăng tầm bắn.

Các chuyên gia cũng nói thêm, tên lửa 3 tầng sẽ có hiệu quả hơn so với  ICBM hai tầng Hwasong-14 mà Bình Nhưỡng thử nghiệm hồi tháng 7. Thời điểm đó, các quan chức và chuyên gia Hàn Quốc cùng đồng minh Mỹ xác định tầm bắn của Hwasong-14 khoảng 10.000km, có thể tấn công nhiều khu vực của Mỹ. Tuy không thể tính được tầm bắn, nhưng các chuyên gia tin rằng tên lửa mới nếu được phát triển sẽ có phạm vi hoạt động khoảng 12.000km và có thể tiếp cận bất kỳ nơi nào của lục địa Mỹ, kể cả thành phố New York và Thủ đô Washington.

Báo cáo của KCNA được công bố sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có những tuyên bố lạc quan về khả năng đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên trong tương lai gần. Thông qua những hình ảnh được đăng tải, cựu tướng Moon Sung-muk kiêm chuyên gia kiểm soát vũ khí và đại diện phía Hàn Quốc trong các cuộc đàm phán quân sự với Triều Tiên cho rằng Bình Nhưỡng có vẻ muốn cho thấy họ đang phát triển loại vũ khí mạnh hơn. Điều này đồng thời thể hiện mục tiêu của Bình Nhưỡng “kiểm soát cục diện” cũng như lập trường không từ bỏ chương trình phát triển vũ khí bất chấp sức ép từ quốc tế.

Chỉ trích Nga và Trung Quốc

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap hôm 25-8 cho biết Triều Tiên cáo buộc Trung Quốc và Nga “thông đồng và ủng hộ” Mỹ bóp méo sự thật và đưa ra các biện pháp chế tài bất hợp pháp chống lại Bình Nhưỡng. Tuyên bố trên được cho nhắm đến nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) đầu tháng này nhằm cắt giảm 1/3 tổng doanh thu xuất khẩu hàng năm của Triều Tiên. Nghị quyết đã nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc.

Nói hôm 25-8, học giả Jong Myong-chol thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Triều Tiên cáo buộc “Mỹ và các lực lượng lệ thuộc” phải chịu trách nhiệm cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên mà theo ông là đang bị đẩy đến bờ vực chiến tranh. Học giả Jong tuy không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc và Nga nhưng ám chỉ 2 quốc gia này đã hỗ trợ các lệnh trừng phạt của LHQ bất chấp Bình Nhưỡng trước đây từng “hết sức ủng hộ họ”. “Ngay cả một số quốc gia láng giềng lớn, từng duy trì các nguyên tắc tại LHQ giờ đây cũng phủ phục, sợ hãi trước những hành động hống hách và dối trá của Mỹ” – ông Jong chỉ trích.

Trong diễn biến khác, khảo sát của Đại học George Washington mới đây cho thấy hơn một nửa người Mỹ không ủng hộ cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Triều Tiên. Hồi đầu tháng này, Tổng thống Trump cảnh báo Triều Tiên sẽ hứng “lửa thịnh nộ” nếu tiếp tục đe dọa Washington hoặc các nước đồng minh. Đáp lại, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phóng tên lửa đạn đạo tấn công đảo Guam của Mỹ.

Theo kết quả thăm dò trên 1.009 cử tri, chỉ có 27% người được hỏi đồng thuận với tuyên bố của ông Trump, trong khi có tới 71% người cho biết đây không phải là điều họ mong đợi từ một tổng thống. Ngoài ra, 68% nói rằng những tuyên bố và hành động của ông Trump có thể vô tình khiến Washington bị kéo vào một cuộc xung đột quốc tế. 

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết