Hàn Quốc là một trong những quốc gia có dân số sở hữu điện thoại thông minh nhiều nhất thế giới. Hơn 98% thanh thiếu niên tại đây sử dụng điện thoại di động và nhiều người trong số này đang có dấu hiệu bị nghiện.
Thiếu niên Hàn Quốc học vẽ tại một trại cai nghiện điện thoại. Ảnh: CNN
Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin, Truyền thông Hàn Quốc (MSIT) cho biết, khoảng 30% trẻ em xứ Hàn tuổi từ 10-19 trong năm ngoái được xếp vào nhóm “phụ thuộc quá mức” vào điện thoại, dẫn đến nhiều “hậu quả nghiêm trọng” do sử dụng điện thoại thông minh, như giảm khả năng tự kiểm soát, buộc phải đi đến các trại cai nghiện điện thoại di động của chính phủ. Chỉ trong năm nay, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc đã thành lập 16 trại như thế trên toàn quốc dành cho khoảng 400 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đối với một số phụ huynh, đây là giải pháp cuối cùng. “Tôi nghĩ rằng phụ huynh họ gửi con em đến đây vì mong muốn có được sự giúp đỡ của các chuyên gia” - Yoo Soon-duk, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phúc lợi Thanh niên Gyeonggi-do, nhận định. Bà Yoo cho biết trong vài ngày đầu tiên, những thanh thiếu niên đến cai nghiện điện thoại tại đây có vẻ “rất đau khổ”. “Từ ngày thứ ba, bạn có thể nhận thấy họ thay đổi. Họ bắt đầu thích giao lưu với bạn bè” – bà Yoo cho hay.
Theo CNN, các trại cai nghiện điện thoại của Hàn Quốc là miễn phí. Những người đến đây cai nghiện chỉ đóng 100.000 won (khoảng 84USD) tiền thức ăn. Các bé trai và gái được phân ra ở nhóm trại riêng và mỗi trại khoảng 25 em. Tại trại, thanh thiếu niên Hàn Quốc được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoài trời, các hoạt động nghệ thuật và thủ công cũng như các sự kiện thể thao. Họ cũng phải tham dự các cuộc gặp với chuyên gia, các cuộc trò chuyện nhóm, gia đình để thảo luận về việc sử dụng điện thoại. Và trong 30 phút trước khi ngủ, các trại viên được cho ngồi thiền. Đa phần các trại cai nghiện điện thoại được thành lập tại các trung tâm dạy nghề thanh niên, cách xa thành phố, có khung cảnh xanh mát.
Theo một báo cáo được công bố hồi năm 2017, trong năm 2015, 16% thanh niên ở độ tuổi 15 của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngoài giờ học đã dành hơn 6 tiếng/ngày để trực tuyến và tỷ lệ này là 26% vào những ngày cuối tuần. Tại Hàn Quốc, tỷ lệ này cao hơn nhiều, bởi ở đó, trẻ em phải đối mặt với áp lực học tập nặng nề nhưng chỉ có vài cách để thư giãn. Vào cuối ngày, nhiều trẻ còn phải tham gia các lớp luyện thi, không có thời gian tham gia các hoạt động khác. Chỉ có 46,3% học sinh độ tuổi 15 của Hàn Quốc tập thể dục trước hoặc sau giờ học – tỷ lệ thấp nhất trong tất cả 36 quốc gia OECD. Lee Woo-rin, 16 tuổi, cho biết em đã sử dụng điện thoại thông minh để giảm bớt căng thẳng ở trường. “Em tạm thời quên đi căng thẳng khi em dùng điện thoại. Nhưng vào khoảnh khắc em ngừng sử dụng nó, những thứ khiến em bực bội quay trở lại. Điều này đã trở thành một vòng luẩn quẩn” – Lee giải thích.
Tiến sĩ Lee Jae-won, bác sĩ tâm thần chuyên điều trị chứng nghiện điện thoại, nói rằng vòng luẩn quẩn đó là một triệu chứng nghiện điện thoại. Theo ông Lee, khi con người căng thẳng, hàm lượng chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác hưng phấn dopamine trong não sẽ giảm, khiến họ tìm kiếm hình thức thỏa mãn khác. Do thanh thiếu niên không có cách làm giảm căng thẳng nào khác, họ đành phải sử dụng điện thoại. Ban đầu điện thoại giúp họ thấy thoải mái và cuối cùng họ nghĩ rằng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là đủ làm cho họ hạnh phúc. Từ đó dẫn đến việc họ lơ là học tập hoặc bỏ học.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trong ngắn hạn, nghiện điện thoại có thể ảnh hưởng đến việc học tập nhưng theo thời gian, người nghiện điện thoại có thể bị cô lập về mặt xã hội và có các biểu hiện như hay tức giận, căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm. Họ có nguy cơ sống một mình sau khi mất gia đình, việc làm và bạn bè, từ đó họ không phát triển khả năng giải quyết các mâu thuẫn cá nhân.
TRÍ VĂN