19/01/2010 - 21:30

Tổng thống Afghanistan trước khó khăn chồng chất

Lực lượng an ninh được triển khai tại trung tâm mua sắm bị đánh bom ở Kabul hôm 19-1.
Ảnh: Reuters

Ngày 18-1, các phần tử nổi dậy Taliban đã thực hiện một loạt vụ tấn công phối hợp vào trung tâm Thủ đô Kabul của Afghanistan, làm ít nhất 15 người chết và 60 người khác bị thương. Những kẻ tấn công trang bị súng máy và thuốc nổ dùng để đánh bom tự sát đã chiếm một trung tâm mua sắm cao 5 tầng, tòa nhà Bộ Tư pháp và kích nổ ngay trước dinh Tổng thống Hamid Karzai. Theo Bộ Quốc phòng Afghanistan, các lực lượng an ninh đã đọ súng với những phần tử khủng bố ngay giữa quảng trường Pashtunistan, vòng xoay giao thông đi qua dinh tổng thống, trụ sở Bộ Tư pháp và Ngân hàng Trung ương. Đây là cuộc tấn công lớn nhất của Taliban kể từ khi chế độ Hồi giáo cực đoan này bị sụp đổ cuối năm 2001.

Theo Zabibullah Mujahid, tự xưng là người phát ngôn Taliban, 20 tay súng đã nhắm mục tiêu vào trụ sở các cơ quan đầu não của chính phủ nhằm ngăn cản các thành viên nội các mới tuyên thệ nhậm chức. Các vụ tấn công diễn ra trong lúc 14 bộ trưởng đang chuẩn bị lễ tuyên thệ, trong đó có 7 ứng viên được Quốc hội thông qua trong lần trình danh sách thứ hai của ông Karzai cuối tuần rồi. Động thái này có nghĩa là ông Karzai sẽ không có một nội các đầy đủ (khoảng 23-24 người) khi tham gia hội nghị quốc tế về Afghanistan ở Luân Đôn ngày 28-1 tới.

Trước nay, Taliban được xem là chỉ hoạt động ở vùng hẻo lánh. Tuy nhiên, sự trổi dậy của Taliban đang đẩy cuộc chiến trở lại các trung tâm thành phố. Theo các nhà phân tích, Taliban muốn phát đi thông điệp rằng không có vùng nào ở nước này an toàn bất chấp chiến lược mới của Mỹ và NATO.

Trong khi đó, Tổng thống Karzai cho biết tại hội nghị ở Luân Đôn, ông sẽ thông báo kế hoạch mới về vấn đề hòa hợp với Taliban và các tay súng nổi dậy. Theo Waheed Omar, người phát ngôn của Tổng thống Karzai, kế hoạch mới sẽ kết hợp cả chính sách ưu đãi kinh tế cho các tay súng Taliban đầu hàng, vì nhiều người theo Taliban chỉ vì tiền chứ không vì ủng hộ giáo lý cứng rắn của chúng. Nói cách khác, chính quyền có thể tạo việc làm và bất cứ điều gì cho các phần tử Taliban để chiêu hàng chúng. Trước đây, Tổng thống Karzai từng kêu gọi đàm phán với Taliban, thậm chí cho phép các thủ lĩnh của chúng giữ những vị trí cấp cao trong chính quyền. Tuy nhiên, Taliban đã từ chối và tuyên bố chỉ đối thoại khi nào toàn bộ quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho rằng kế hoạch mới có thể thúc đẩy số người đi theo Taliban tái hội nhập với xã hội Afghanistan, nhưng sự hòa hợp giữa chính quyền Kabul với các thủ lĩnh Taliban khó có thể xảy ra. Phát biểu khi đang trên đường tới thăm Ấn Độ hôm qua 19-1, ông Gates bác bỏ khả năng hòa giải với thủ lĩnh Taliban Mullah Muhammad Omar và phản đối việc các quan chức Afghanistan cân nhắc xóa tên nhân vật này khỏi danh sách các phần tử khủng bố của Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó, các quan chức NATO ước tính có khoảng 25.000 – 30.000 tay súng Taliban đang hoạt động tại Afghanistan, nhưng từ trước tới nay, chỉ có một số lượng nhỏ đầu hàng.

N. KIỆT (Theo AFP, NYT, Reuters)

Lực lượng an ninh được triển khai tại trung tâm mua sắm bị đánh bom ở Kabul hôm 19-1. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết