27/12/2019 - 09:12

Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ tại Địa Trung Hải 

Trong chuyến thăm bất ngờ tới Tunisia hôm 25-12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Kais Saied về kế hoạch hợp tác có thể giúp thiết lập thỏa thuận ngừng bắn ở Libya.

Tổng thống Erdogan (trái) và nhà lãnh đạo nước chủ nhà Kais Saied trong cuộc gặp hôm 25-12. Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Erdogan bày tỏ tin tưởng Tunisia sẽ có những đóng góp giá trị và mang tính xây dựng cho việc thiết lập ổn định ở Libya, đồng thời nhấn mạnh cần vạch ra lệnh ngừng bắn tại nước này sớm nhất có thể. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắn tín hiệu mạnh mẽ nhất rằng Ankara sẽ hành động nếu nhận lời mời đưa quân sang Libya để giúp Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez Al-Sarraj chống lại Tướng Khalifa Haftar.

Libya chìm trong bất ổn và hỗn loạn kể từ cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Hiện nay, quốc gia Bắc Phi này tồn tại 2 chính quyền đối nghịch với các lực lượng vũ trang riêng. Trong đó, GNA hoạt động ở Thủ đô Tripoli, được Liên Hiệp Quốc và quốc tế công nhận. Còn lực lượng vũ trang tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Haftar ủng hộ chính quyền ở miền Đông. Trong khi Thủ tướng Sarraj nhận được sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, thì LNA chủ yếu được hỗ trợ bởi Ai Cập, UAE, Nga và Pháp.

Chuyến công du của Tổng thống Erdogan diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh nỗ lực đạt được các thỏa thuận với nhiều quốc gia tại Địa Trung Hải. Hồi cuối tháng rồi, Thổ Nhĩ Kỳ và GNA đã ký bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự. Chưa rõ hình thức hỗ trợ là gì nhưng hôm 24-12, một phát ngôn viên của ông Erdogan nói rằng quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đang nghiên cứu về dự thảo cho phép điều lính sang Libya. Tuy nhiên, truyền thông Mỹ hồi tháng 9 loan tin hàng trăm lính đánh thuê của Nga đang tiếp sức cho phe của Haftar bên ngoài Tripoli. Do vậy, kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã gióng hồi chuông báo động đến Nga, khiến nước này “rất quan ngại”. Theo báo cáo hồi tháng rồi của Liên Hiệp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi quân nhu cho GNA, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí của quốc tế.

Ngoài thỏa thuận trên, Thổ Nhĩ Kỳ và GNA cũng đạt một thỏa thuận về phân định quyền tài phán trên biển giữa hai nước. Nhưng văn kiện này vấp phải sự phản đối của nhiều nước do nó cho phép Ankara tiếp cận vùng kinh tế còn đang tranh chấp ở phía Đông Địa Trung Hải. Một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Israel và đảo Síp sang châu Âu mang tên EastMed có thể sẽ đi qua khu vực này. Dự kiến trong tuần tới, lãnh đạo các nước Hy Lạp, Síp và Israel sẽ đặt bút ký dự án EastMed. Trong phản ứng của mình, Athens và Nicosia cáo buộc thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ và GNA vi phạm luật pháp quốc tế, song Ankara lập luận rằng văn kiện nhằm bảo vệ những quyền lợi của nước này trong khu vực và nó phù hợp với luật hàng hải. Theo Reuters, Hy Lạp và Síp thậm chí coi thỏa thuận trên là “hành động thâu tóm tài nguyên” khí đốt ở Đông Địa Trung Hải và gây bất ổn cho các đối thủ.

Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra tranh chấp với Hy Lạp trong nhiều thập niên qua xung quanh các đảo trên biển Aegean thuộc Địa Trung Hải và với Cộng hòa Síp về những vùng biển của đảo này kể từ năm 1974. Khi đó, sau cuộc xâm lấn của Thổ Nhĩ Kỳ, đảo Síp bị chia đôi, một phần phía Síp Hy Lạp, được quốc tế công nhận và chính thức mang tên Cộng hòa Síp, trong khi phần phía Bắc nằm dưới sự kiểm soát của Ankara. Với việc ký thỏa thuận với Libya, giới phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang cho thấy nước này sẵn sàng hành động cứng rắn để có được những cuộc đàm phán mới với Hy Lạp và Síp về những tranh chấp nói trên.

HẠNH NGUYÊN (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết