11/05/2011 - 08:41

Cuộc thi “Tiếng hát mãi xanh”

Tình yêu với âm nhạc không phân biệt tuổi tác

Thí sinh Lê Thị Nhung đạt giải “Thí sinh được yêu thích nhất” trong cả 3 đêm chung kết.
Ảnh: phunuonline

Tối 11-5-2011, cuộc thi “Tiếng hát mãi xanh” sẽ khép lại bằng đêm chung kết xếp hạng (được truyền hình trực tiếp vào lúc 20 giờ 30 phút trên kênh HTV9). Đây là cuộc thi âm nhạc dành cho lứa tuổi trung niên và cao niên do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và Công ty Truyền thông Mây Quỳnh phối hợp sản xuất.

Cuộc thi “Tiếng hát mãi xanh” ra đời đã làm thỏa lòng những người “có tuổi”. Theo điều lệ cuộc thi, chỉ những người từ 40 tuổi trở lên và không chuyên mới được tham gia. Cuộc thi đã thu hút hơn 2.100 thí sinh, có người đã 80 tuổi, ở khắp mọi miền đất nước đăng ký tham dự. Sau vòng sơ tuyển và bán kết với đủ các thể loại âm nhạc như: mang âm hưởng dân ca, nhạc truyền thống cách mạng, nhạc trữ tình..., 10 thí sinh đã lọt vào vòng chung kết và chia làm 2 bảng: bảng 1 gồm 5 thí sinh từ 40 đến 50 tuổi và bảng 2 từ 50 tuổi trở lên.

Sau 3 đêm chung kết, 6 thí sinh được lọt vào vòng chung kết xếp hạng. Cuộc thi đang dần khép lại với nhưng sức hút và sự thú vị của chương trình vẫn còn đọng lại. Điểm thu hút của chương trình lại chính là sự mộc mạc, chân chất từ những giọng hát đầy tình cảm của các thí sinh. Người say sưa với những khúc tình xưa, người hào sảng với những ca khúc truyền thống, người lại ngọt ngào với những làn điệu dân ca nên khán giả đổi được “khẩu vị” liên tục. Sự chất phác, thiếu chuyên nghiệp của thí sinh lại là điểm hấp dẫn của cuộc thi. Có thí sinh nói chuyện lập dập vì run, trang phục đơn sơ: áo bà ba, dép quai kẹp giống như ở nhà, biểu diễn cứng ngắt, gượng gạo, mắc cỡ vì “sợ... cháu ngoại nó coi rồi cười”! Một thí sinh 74 tuổi xin được hát lại bài hát dự thi vì quên lời do sự ủng hộ quá nhiệt tình của khán giả và bà “năn nỉ” khán giả đừng... vỗ tay trong khi bà thi vì lý do: “Lớn tuổi rồi, tiếng vỗ tay lớn quá tui nghe nhạc không rõ, vô trớt quớt hà! Đợi tui hát rồi đã vỗ nghe!”... Cả Ban giám khảo và khán giả đều cười rần.

Trong số 10 người lọt vào vòng chung kết, cụ bà Lê Thị Nhung, 74 tuổi, quê ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, được mọi người gọi là ngoại, trở nên “thần tượng” vì tuổi và vì giọng hát nhạc xưa rất mượt mà của bà. Ba đêm chung kết, “ngoại Nhung” đều đạt giải “thí sinh được khán giả bình chọn nhiều nhất”.

Dù Ban tổ chức chỉ “yêu cầu” sự chân thật “như hát cho con cháu nghe thôi”, không đặt nặng tập dượt, áp đặt phong cách... nhưng càng vào vòng trong, các thí sinh thi diễn càng tốt hơn, chuyên nghiệp và nhiều cảm xúc hơn.

Trong khi khán giả đã quá “bội thực” với các cuộc thi ca nhạc vui ít mà tai tiếng nhiều thì “Tiếng hát mãi xanh” đã thật sự tạo được nét mới của sân chơi lành mạnh, ý nghĩa cho những người lớn tuổi. Một bạn trẻ trên mạng nhận xét về “ngoại Nhung” nói lên “cái được” tiêu biểu mà cuộc thi đem lại: “Thật sự tôi còn trẻ và rất yêu nhạc trẻ nhưng giọng hát của bà đã đem lại cảm xúc kỳ lạ trong tôi. So với mớ nhạc trẻ hỗn độn ngày nay với những ca sĩ mới, tôi cảm thấy Ngoại tuyệt hơn nhiều, đáng để nghe hơn nhiều”.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết