19/03/2011 - 21:45

NHẬT BẢN KHẮC PHỤC HẬU QUẢ ĐỘNG ĐẤT - SÓNG THẦN:

Tín hiệu tích cực từ nhà máy hạt nhân Fukushima

Các chuyên gia và kỹ sư ở nhà máy Fukushima đang chạy nước rút để chặn đứng thảm họa
hạt nhân. Ảnh: Xinhua

Nỗi lo sợ về một thảm họa hạt nhân đã phần nào giảm bớt sau khi Nhật Bản loan báo đã thành công trong việc nối được nguồn điện đến một trong những lò phản ứng tại nhà máy hạt nhân Fukushima. Tuy nhiên, một nỗi ám ảnh khác lại dấy lên sau khi 2 địa phương gần nhà máy phát hiện thực phẩm bị nhiễm phóng xạ vượt mức cho phép.

Giới chức Nhật Bản hôm qua cho biết các kỹ sư tại nhà máy hạt nhân Fukushima số 1 đã nối được hệ thống cáp điện tới một trong 6 lò phản ứng và đang tập trung khôi phục nguồn điện cho hệ thống làm mát. Như vậy, sau nhiều ngày chạy đua với thời gian, Nhật Bản bước đầu đã thành công trong nỗ lực ngăn chặn thảm họa hạt nhân đang rình rập. Vấn đề hiện nay là do nhà máy bị hư hại nhiều sau trận động đất nên người ta không chắc hệ thống làm mát có hoạt động trở lại sau khi có điện hay không. Dự kiến, hôm nay điện sẽ có trở lại và các kỹ sư hy vọng họ có thể khởi động các hệ thống làm mát trực tuyến.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Toshimi Kitazawa cho biết nhiệt độ bề mặt của các lò phản ứng 1, 2, 3, 4 đo được vào sáng 19-3 ở vào khoảng 1000C hoặc thấp hơn. Ông nói tình hình đang dần trở nên ổn định nhiều hơn so với dự kiến. Còn tại lò số 5 và 6, công tác làm nguội các thanh nhiên liệu được cho là nằm trong tầm tay sau khi một trong những máy phát điện khẩn cấp đã được khôi phục vào sáng qua. Theo Công ty điện lực Tokyo, nhiệt độ tại 2 lò này đã giảm còn 67,60C. Trước đó, hôm 18-3, Nhật Bản nâng mức độ nguy hiểm tại ba lò từ số 1-3 từ cấp độ 4 lên 5 theo thang khủng hoảng hạt nhân quốc tế gồm 7 cấp độ. Liên quan đến đề nghị chôn các lò phản ứng hạt nhân quá nóng dưới cát hoặc đổ bê-tông lên, các chuyên gia Nhật Bản và quốc tế cho rằng hiện nay còn quá sớm để áp dụng giải pháp được cho sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản. Họ cảnh báo việc áp dụng biện pháp này sẽ là một sai lầm lớn vì chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Cùng ngày, nhà chức trách hai tỉnh Fukushima và Ibaraki cho biết đã phát hiện sữa và cải bó xôi nhiễm chất phóng xạ với hàm lượng cao bất thường. Tuy nhiên, theo phát ngôn viên chính phủ Nhật, những thực phẩm bị ô nhiễm này không đe dọa ngay đến sức khỏe người dân, thậm chí nếu uống sữa bị nhiễm phóng xạ liên tục trong vòng 1 năm, lượng phóng xạ trong cơ thể cũng chỉ tương đương một lần chụp CT.

Khủng hoảng tại các trại tạm cư

Nhật báo Yomiuri và đài truyền hình NHK cho biết đến nay đã có ít nhất 25 người, phần đông là cụ già, tại các trại tạm cư ở tỉnh Fukushima tử vong do thiếu ăn, bệnh truyền nhiễm, mất nước và giá rét. Trong 8 ngày qua, đội ngũ y bác sĩ Nhật Bản đã phải làm việc cật lực không nghỉ tay để chăm lo cho những người bệnh và người già yếu được chuyển từ các bệnh viện bị động đất - sóng thần tàn phá về các trại tạm cư thiếu thốn trăm bề. Tổ chức Các bác sĩ không biên giới (MSF), hiện có nhiều nhóm bác sĩ lưu động ở Miyagi - tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cho biết quan ngại hàng đầu của họ là bệnh mãn tính ở người già, đặc biệt là cao huyết áp và tiểu đường.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch cúm tại những trại tạm cư đông nghẹt người. Trong lúc này, chăn mền là vật dụng cần kíp nhất để bảo vệ người già trong cơn giá lạnh. Tình trạng cúp điện và thiếu xăng dầu cũng tiếp tay đẩy bệnh nhân bị suy thận và tiểu đường vào bế tắc. Thiếu xăng dầu nên bệnh nhân tiểu đường không thể được đưa đến bệnh viện để tiếp nhận insulin. Tương tự, bệnh nhân suy thận cũng không thể chạy thận nhân tạo. Khoảng 800 người mắc bệnh thận ở tỉnh Fukushima đã được đưa đến Thủ đô Tokyo để điều trị.

Ngoài giá rét và bệnh tật, người dân ở các trại tạm cư đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng khác: không điện, không nước sinh hoạt, không lò sưởi trong khi nguồn thực phẩm và nước uống cứu trợ đang dần cải thiện nhưng vẫn không thấm vào đâu.

Tập trung tái thiết cuộc sống của hơn 380.000 người

Hôm qua, nhiều thành phố biển ở tỉnh Iwate - một trong 5 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất - đã khởi công xây dựng hàng trăm ngôi nhà tiền chế với diện tích mỗi căn 30 m2 dành cho 2-3 người ở. Chính quyền tỉnh có kế hoạch xây cả thảy 8.800 căn nhà như thế để người dân ổn định cuộc sống. Trong khi đó, tỉnh trưởng tỉnh Miyagi kêu gọi người dân đến các địa phương khác tạm cư trong vòng 1 năm do việc tái thiết cơ sở hạ tầng và nhà cửa không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhiều tỉnh không bị ảnh hưởng đang tiếp nhận người sơ tán từ các địa phương miền duyên hải đến ở tạm. Tại thành phố Sendai (tỉnh Miyagi), tâm chấn của trận động đất mạnh 9 độ Richter hôm 11-3, cửa hàng bách hóa Fujisaki nổi tiếng đã mở cửa trở lại lần đầu tiên vào hôm qua. “Chúng tôi hy vọng có thể giúp mọi người từng bước trở lại cuộc sống bình thường” - một quản lý cửa hàng cho biết. Trước đó một ngày, cảng Shiogama cũng đã bắt đầu hoạt động trở lại và đón tàu chở hàng cứu trợ đến phân phát cho các trung tâm tạm cư của tỉnh Miyagi và các tỉnh lân cận.

Tính đến tối qua (19-3), theo Cục Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số người chết và mất tích do động đất - sóng thần tại nước này đã vượt 18.600 người, trong đó 7.320 người chết trong khi số người bị thương là 2.611 người. Công tác tìm kiếm người mất tích và xác người vẫn tiếp diễn bất chấp giá rét đang bao trùm phần lớn vùng bị thiên tai. Chánh văn phòng nội các Yukio Edano cho biết trọng tâm của các hoạt động cứu trợ hiện nay là làm thế nào để bảo đảm và tái thiết cuộc sống của khoảng 387.000 người đang tá túc trong 2.200 trại sơ tán.

VIỆT QUỐC
(Theo Kyodo, AFP, CNN, NY Times)

Miền Bắc Nhật Bản lại bị động đất

Đài truyền hình NHK cho biết hôm qua, một trận động đất với cường độ 6,1 độ Richter làm rung chuyển tỉnh Ibaraki với tâm chấn nằm không xa nhà máy hạt nhân Fukushima số 1. Các tòa nhà ở Thủ đô Tokyo rung chuyển trong khi sân bay Narita phải tạm hoãn các chuyến bay. Không có cảnh báo sóng thần cũng như chưa có tin về thiệt hại.

Kể từ sau cơn đại địa chấn gây sóng thần hôm thứ sáu tuần trước, nước Nhật đã hứng chịu hàng trăm dư chấn với cường độ khá mạnh.


Các chuyên gia và kỹ sư ở nhà máy Fukushima đang chạy nước rút để chặn đứng thảm họa hạt nhân. Ảnh: Xinhua

Chia sẻ bài viết