23/01/2014 - 15:26

Tiếng xưa giữa lòng phố

Cố nhà văn Sơn Nam từng cho rằng: vọng cổ, hát bội, cải lương… đã góp phần làm nên "văn minh miệt vườn". Giờ đây, chính những yếu tố ấy đang góp thêm một nét đẹp dịu dàng cho "văn minh đô thị" của sông nước Cần Thơ, thể hiện nét thanh lịch, tao nhã của người Tây Ðô.

Dưới ánh trăng rành rạnh của ngày rằm tháng Chạp, lão nghệ nhân Trần Văn Đức (tức Hai Đức) ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, cùng nhóm bằng hữu mê đờn ca hòa tấu khúc nhạc Nam Xuân thật rộn ràng. Tiếng đờn réo rắt, giọng ca mùi mẫn hòa cùng tiếng chèo của ai đang khua nước dưới dòng rạch Chanh, nghe như mùa xuân đang gõ cửa mọi nhà. Khúc nhạc hòa tấu bằng bộ tứ tuyệt: kìm, cò, tranh, bầu và cây đờn sến 3 dây do ông Hai Đức sáng chế, sóng sánh như một, đồng thanh đồng giọng gợi nhớ lời nhận xét của cố nhà văn Sơn Nam: "Bài vọng cổ được ca tùy hứng, không câu nệ âm điệu từng chữ nhưng người ca và người đờn "đúng điệu nghệ" phải nương tựa nhau, xuống câu cho đúng nhịp. Hơi ca không được đâm, nhịp đờn không được chỏi…" ("Nói về miền Nam").

Nghệ nhân Hai Đức. Ảnh: DUY KHÔI

Lão nghệ nhân Hai Đức quả là một thầy đờn đúng điệu nghệ. Trong ban đờn, ông thường cầm cây đờn sến 3 dây mà làm chủ và gõ song lang. Ông luôn tâm nguyện rằng đã cầm cây đờn là không được đờn dối, đờn lùa hay ỷ thế ngón đờn tài hoa của mình mà lấn át bạn đờn. Đó cũng là kinh nghiệm và bài học ông đúc kết sau hơn nửa thế kỷ theo nghiệp đờn ca. Gần 10 năm nay, ông Hai Đức còn nhận giảng dạy nghệ thuật Đờn ca tài tử, vọng cổ cho hàng trăm sinh viên đến từ các nước: Hy Lạp, Mỹ, Anh, Pháp… và người dân Cần Thơ. Dẫu là sinh viên trong nước hay nước ngoài, dẫu là trí thức hay nông dân "rặt", ông Hai Đức cũng luôn nhắc nhở học trò mình phải "đờn ca đúng điệu nghệ".

Gần 30 năm qua, ông Hai Đức được giới chuyên môn và người mộ điệu nể phục bởi sáng chế từ cây đờn sến truyền thống 2 dây 12 phím sang cây đờn sến 3 dây 14 phím. Đờn sến 3 dây vừa giòn giã như tiếng mandoline, lại vừa nhấn nhá rất mùi như tiếng đờn kìm khi đờn vọng cổ. Trong ngọn gió xuân nhè nhẹ, tiếng đờn sến trổi lên, vừa réo rắt niềm vui, vừa vương vấn, u hoài tạo nên một không gian đầy xúc cảm. Giờ đây, cây đờn sến 3 dây đờn nhạc tân cũng hay mà nhạc cổ cũng mùi của ông Hai Đức được xem là "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam. Nếu như những tài tử đi trước đã góp công cải tiến Tây Ban cầm thành ghi ta cổ nhạc - ghi ta phím lõm, đờn hạ uy di thành hạ uy cầm cổ nhạc… thì ông Hai Đức cũng đã minh chứng cho sự sáng tạo, hào sảng, dễ thích nghi của tài tử Cần Thơ.

Cần Thơ được xem là mảnh đất "cầm- thi" với Tao đàn Bà Đồ vang danh một thuở và những thầy tuồng, soạn giả, nghệ sĩ nổi danh cả nước như: soạn giả Điêu Huyền, soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, NSND Tám Danh, Bảy Nhiêu… Sở dĩ những soạn giả, nghệ sĩ này luôn được giới mộ điệu mọi thời đại yêu mến, cảm phục vì họ là những người điệu nghệ. Mỗi vai tuồng, lớp diễn của họ đều kết thúc có hậu, mở ra chân trời mới, tương lai xán lạn. "Câu hát câu hò phải có hậu. Hát bội phải có hậu. Tiểu thuyết, tuồng cải lương cũng phải như thế. Giọng hát phải có truyền cảm. Nội dung phải có hậu" - cố nhà văn Sơn Nam đã nhấn mạnh như vậy. Lần xem những vở cải lương "Tiếng hò sông Hậu", "Khách sạn Hào Hoa" của soạn giả Điêu Huyền hay "Phụng nghi đình", "Giọt máu chung tình" của soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, hầu hết đều có hậu theo quy luật nhân quả.

Hiện nay, Cần Thơ cũng có nhiều nghệ sĩ đang nỗ lực gìn giữ môn nghệ thuật cổ truyền của cha ông, dẫu gặp nhiều truân chuyên, trắc trở. Nặng gánh mưu sinh nhưng soạn giả Minh Thơ ở quận Ô Môn vẫn miệt mài mở lớp dạy học trò đờn ca tài tử. Tiếng "hò, xự, xang, xê, cống" của ông nghe thật giòn giã, mùi mẫm với kỳ vọng tìm được người kế thừa. Hay như ông bầu hát bội Huỳnh Văn Hiếu ở quận Ninh Kiều, có thâm niên hơn 40 năm theo nghề. Căn bệnh lao hoành hành khiến giọng ca ông giờ khàn đục, động tác diễn không còn chính xác, mạnh mẽ như xưa nhưng đêm đêm trong con hẻm vắng của khu phố chợ ồn ào, người ta vẫn thấy ông dạy con cháu hát bội, làm đào. Ba đời hát bội, làm bầu, chừng ấy thời gian đủ để bầu Hiếu thấm thía vinh quang cũng như tủi cực của nghề xướng ca này nhưng đến giờ ông vẫn chưa có ý định bỏ nghề. "Bỏ sao được, thương cái nghề đã từng nuôi sống mình. Với lại bỏ gánh giữa đàng anh em trong giới người ta cười mình không đến nơi đến chốn!"- bầu Hiếu hào sảng nói.

Nghệ nhân Hai Lợi luôn coi tiếng đờn tranh như tiếng lòng của mình.
Ảnh: DUY KHÔI

Với nhà văn Sơn Nam, đã thích cổ nhạc thì mỗi người đều có thể trở thành tài tử. Tài tử đi đôi với phong lưu: "Phong lưu không phải là giàu tiền bạc, ăn không ngồi rồi nhưng là lãng mạn, trữ tình, vươn lên đạt hạnh phúc". Cũng với suy nghĩ ấy, nghệ nhân Hai Lợi- "bậc thầy" đờn tranh đất Cần Thơ- luôn giữ cho mình sự phong lưu sau gần nửa thế kỷ theo nghề. Tiếng đờn của nghệ nhân Hai Lợi luôn dành cho người tri kỷ, tri âm bởi đã đờn là phải "thêm hoa thêm lá" cho tiếng đờn trầm bổng, thiết tha, gợi cảm gợi tình, gieo rắc lòng người. Chiều chiều bên dòng sông Ô Môn, người ta vẫn nghe tiếng đờn tranh của nghệ nhân Hai Lợi giải bày tâm sự, tìm bạn tri âm. Ông chỉ đờn cho những ai lắng nghe bằng tâm hồn đồng điệu và dứt khoát không gảy một tiếng nào cho những ai xem tiếng đờn của ông là thú tiêu khiển vô bổ. Bàn về chuyện đờn ca, ông Hai Lợi tâm sự: "Tiếng đờn từ trái tim mình mới là tiếng đờn mùi mẫm, đắm say lòng người nhất". Có lẽ vì vậy mà ai từng một lần nghe nghệ nhân Hai Lợi đờn tranh đều khó quên và nghe lòng lâng lâng vì được bắt quen với một nghệ nhân đúng điệu nghệ mà cũng rất đỗi phong lưu.

Trong bước đường khẩn hoang, sinh cơ lập nghiệp và cả trong cuộc sống hiện đại ngày nay của người Cần Thơ hầu như chưa lúc nào vắng nghệ thuật đờn ca. Thú chơi nho nhã, thanh tao và rất điệu nghệ ấy chứng tỏ tâm hồn đồng điệu, lãng mạn của người Cần Thơ xưa và nay. Họp mặt nhau đờn ca cho thỏa đam mê, kết tình bằng hữu, tỏ chí can trường:

"Chào nhau cách mặt đôi đường
Dứt câu hò hát lo lường làm ăn".

 

Chia sẻ bài viết