31/01/2016 - 16:24

Thủ tướng Đức: Người tị nạn phải hồi hương khi chiến tranh kết thúc

Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh) hôm 30-1 đã cố gắng xoa dịu những chỉ trích ngày càng gia tăng xung quanh chính sách "mở cửa" của mình đối với người tị nạn bằng cách yêu cầu hầu hết những người tị nạn đến từ Syria và Iraq phải trở về nước một khi các cuộc xung đột ở đó kết thúc.

"Chúng tôi buộc lòng phải nói với những người tị nạn rằng đây chỉ là nơi cư trú tạm thời, và chúng tôi hy vọng rằng một khi hòa bình được lập lại ở Syria, một khi nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đánh bại ở Iraq, các bạn nên quay trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình" - Thủ tướng Merkel phát biểu trong một cuộc họp của Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU). Nhà lãnh đạo Đức đồng thời kêu gọi các nước phương Tây khác chung tay trợ giúp "vì con số người tị nạn cần phải được giảm hơn nữa và không được gia tăng trở lại, đặc biệt là vào mùa xuân". Bà nhấn mạnh, các nước Liên minh châu Âu (EU) cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ biên giới của mình, và cảnh báo rằng khối gồm 28 quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu vùng tự do đi lại Schengen bị sụp đổ và biên giới quốc gia bị đóng. Bà Merkel cho biết thêm là khoảng 70% người tị nạn từ Nam Tư (cũ) đến Đức hồi những năm 1990 đã trở về quê hương.

Tuyên bố của Thủ tướng Merkel được đưa ra giữa lúc truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin, gần 40 người (trong đó có 10 trẻ em) bị chết đuối và 75 người được cứu sống sau khi một chiếc tàu chở người tị nạn đến Hy Lạp hôm 30-1 chìm ngoài khơi bờ biển Ayvacik, phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ. "Tôi lo ngại rằng số người chết sẽ gia tăng khi các thợ lặn tiếp tục tìm kiếm" - Thị trưởng Ayvacik Mehmet Unal Sahin nói với CNN qua điện thoại. Được biết, những người di cư gặp nạn lần này đa phần là người Syria, Afghanistan và Myanmar.

Theo một báo cáo mới đây, hơn 1 triệu người tị nạn và người di cư đã đến các nước EU trong năm 2015 và hơn 3.600 người chết hoặc mất tích trên hành trình đến "miền đất hứa".

Trong khi đó, Cơ quan Cảnh sát hình sự châu Âu (Europol) vừa cho biết, ít nhất 10.000 trẻ em tị nạn không có người thân đi kèm đang "mất tích" sau khi đăng ký với nhà chức trách các nước châu Âu và nhiều em trong số đó có thể đã rơi vào tay các tổ chức buôn người. Chỉ riêng tại Ý, số trẻ em tị nạn mất tích lên tới 5.000 em trong khi ở Thụy Điển con số này là 1.000 em.

Tổng Giám đốc Europol Brian Donald cho hay, hiện Europol đang có trong tay bằng chứng cho thấy một số trẻ tị nạn ở châu Âu đã bị bóc lột tình dục và cơ quan này đang tìm thêm bằng chứng từ các tổ chức hoạt động trên các tuyến đường di cư qua các quốc gia vùng Balkan, và sẽ triệu tập cuộc họp với các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề trẻ em tị nạn mất tích nhằm có biện pháp ngăn chặn. Theo thống kê của tổ chức nhân đạo "Save the Children", có khoảng 26.000 trẻ em không có người thân đi kèm đã đến châu Âu năm ngoái.

HOÀNG NAM (Theo Reuters, NYT)

Chia sẻ bài viết