15/03/2017 - 08:27

Thổ Nhĩ Kỳ trừng phạt ngoại giao Hà Lan

Hôm 13-3, Thổ Nhĩ Kỳ công bố một loạt biện pháp cấm vận chính trị đối với Hà Lan sau vụ ngăn cản các bộ trưởng của nước này phát biểu vận động tại thành phố Rotterdam.

Các lệnh cấm vận bao gồm việc đình chỉ quan hệ ngoại giao cấp cao cũng như các cuộc gặp từ cấp bộ trưởng trở lên giữa hai nước và đóng cửa không phận Thổ Nhĩ Kỳ đối với các nhà ngoại giao Hà Lan. Ngoài ra, đại sứ Hà Lan tại Ankara Kees Cornelis van Rij cũng không được phép trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện ông Rij không ở Thổ Nhĩ Kỳ và công việc do đại biện lâm thời đại sứ quán Hà Lan xử lý. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế và du lịch đối với dân thường Hà Lan.

Ảnh: Trend

Phát biểu trước báo giới tại Ankara, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus (ảnh) cho biết các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước sẽ đình lại đến khi Amsterdam có văn bản xin lỗi chính thức cho hành động ngăn máy bay chở Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu hạ cánh xuống Rotterdam và cản Bộ trưởng Gia đình và Xã hội Fatma Betul Sayan Kaya đến lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tuần qua.

Không chỉ vậy, ông Kurtulmus còn dọa sẽ đánh giá lại hoặc hủy bỏ thỏa thuận đạt được giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu (EU) hồi năm ngoái về việc ngăn dòng người nhập cư đổ vào châu Âu. Hôm 14-3, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng quay sang chỉ trích việc Liên minh châu Âu kêu gọi nước này kiềm chế "những phát biểu quá đáng". Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng sẽ rất nguy hiểm cho liên minh khi đứng về phía Hà Lan- quốc gia mà Ankara cho là vi phạm nhân quyền và giá trị của châu Âu.

Cùng ngày, phản ứng trước lệnh cấm vận của Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng các biện pháp trừng phạt này là "không thích hợp" khi mà phía Hà Lan có nhiều lý do hơn để giận dữ vì những gì đã xảy ra. Ông Rutte cũng mô tả cách hành xử của một đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), từng có quan hệ lịch sử, quan hệ thương mại như vậy là chưa từng có tiền lệ, thiếu trách nhiệm và không thể chấp nhận được.

Trong khi đó, Thủ tướng Áo Christian Kern hôm qua tuyên bố ông sẽ tìm cách cấm các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ vận động chính trị tại Áo "vì lý do an ninh". Hiện Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan giải quyết tranh chấp ngoại giao hiện nay. Theo Washington, cả hai nước đều là những đối tác lớn và là đồng minh trong NATO. Mỹ đã yêu cầu hai bên không leo thang căng thẳng và hợp tác để giải quyết vấn đề.

THANH BÌNH (Theo Reuters, AFP, NY Times)

Chia sẻ bài viết