Sau vụ Trung Quốc thu giữ thiết bị dưới nước không người lái (UUV) của Mỹ ở ngoài khơi Philippines, giới chuyên gia quân sự dự đoán hoạt động của các thiết bị tự hành có thể trở thành "điểm nóng" mới giữa hai cường quốc khi xu hướng triển khai những hệ thống nói trên đang ngày càng phổ biến trong vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Theo The Diplomat, căng thẳng phát sinh giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Trung Quốc hồi đầu tháng 12-2016 là sự cố "chưa từng có". Hiện Bắc Kinh đã trao trả tàu lặn tự hành cho Lầu Năm Góc, nhưng dưới góc độ của giới phân tích, vụ việc trên vẫn còn nhiều tranh cãi. Chẳng hạn phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lấy cớ này để yêu cầu Mỹ chấm dứt "hoạt động do thám" các vùng biển lân cận Trung Quốc. Ngược lại, Washington tố Bắc Kinh "vi phạm trắng trợn" Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Ngoài những ảnh hưởng chính trị sẽ còn tiếp tục, sự cố này có thể mở đầu cho nguy cơ va chạm khác trong tương lai khi Mỹ và Trung Quốc đang hướng tới việc gia tăng triển khai thiết bị không người lái ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Thiết bị săn thủy lôi không người lái MK18 Kingfish của Mỹ. Ảnh: Defense Industry Daily
Thời gian gần đây, Lầu Năm Góc bắt đầu tăng tần suất các chuyến bay do thám bằng thiết bị bay không người lái (UAV) khi tình hình căng thẳng ở Biển Đông ngày càng leo thang. Cùng lúc, quân đội Trung Quốc cũng mở rộng sử dụng hệ thống không người lái để trinh sát, thiết lập sự hiện diện liên tục trên vùng biển tranh chấp. Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải là hai đơn vị vũ trang của Trung Quốc đưa UAV vào sử dụng nhiều nhất nhằm củng cố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Chẳng hạn hồi tháng 9-2013, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đã triển khai chiến đấu cơ đánh chặn một UAV nghi ngờ là chiếc BZK-005 trinh sát của Trung Quốc xâm nhập Vùng Nhận dạng Phòng không của Nhật Bản (ADIZ) ở Biển Hoa Đông. Đến tháng 5-2016, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiếp tục triển khai UAV BZK-005 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Gần đây, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong chương trình nâng cấp UAV, bao gồm khả năng tàng hình và hoạt động theo nhóm.
Đối với việc triển khai UUV, quân đội Mỹ lâu nay vẫn thường xuyên sử dụng các thiết bị lặn tự hành để thu thập dữ liệu hải dương học. Tuy quy mô vẫn còn hạn chế nhưng Lầu Năm Góc đang rót kinh phí để nâng cấp, phát triển UUV thành lực lượng quân sự tiềm năng. Trong khi đó, quân đội Trung Quốc ngoài trang bị UAV cho hầu hết lực lượng vũ trang cũng bắt đầu đưa một số UUV vào sử dụng song song với đầu tư nghiên cứu thiết bị phức tạp hơn, tiến tới phát triển hệ thống tàu chiến mặt nước không người lái (USV). Theo dự đoán của giới phân tích, UUV không bao lâu sẽ đóng vai trò quan trọng củng cố lợi thế truyền thống của Mỹ hoặc cho phép Trung Quốc bù đắp các điểm yếu lâu nay trong trường hợp xảy ra xung đột trên biển.
Vấn đề đáng nói là các thiết bị không người lái của Trung Quốc thường không hoạt động trên danh nghĩa quân đội, thay vào đó trực thuộc các lực lượng thực thi pháp luật như Cục Hải dương Quốc gia (SOA). Do vậy, giới quan sát lo ngại Bắc Kinh có thể dựa vào các cơ quan như SOA và lấy lý do duy trì an ninh hàng hải để thường xuyên sử dụng các hệ thống không người lái tuần tra Biển Đông và Biển Hoa Đông thay thế máy bay quân sự nhằm tăng cường sự hiện diện liên tục trên các vùng biển tranh chấp, củng cố yêu sách chủ quyền, ngăn chặn hoạt động của Mỹ cũng như các bên liên quan.
MAI QUYÊN